Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế toàn cầu hoá, vấn đề chuyển đổi số luôn được quan tâm bởi những hiệu quả và lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội mà nó mang lại.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số hay chuyển đổi kỹ thuật số (Digital Transformation) được hiểu là tái cơ cấu hoặc đầu tư vào công nghệ và mô hình kinh doanh để thu hút khách hàng hiệu quả hơn tại mọi điểm tiếp xúc trong vòng đời trải nghiệm của khách hàng. Các ý tưởng chuyển đổi số được tập trung vào việc tối ưu trải nghiệm khách hàng, cải tiến quy trình hoạt động và mô hình kinh doanh. Mục tiêu của chuyển đổi số là biến những doanh nghiệp truyền thống thành những doanh nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ insight thấu hiểu khách hàng và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Chuyển đổi số với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) đang nổi lên như một công nghệ của tương lai với nhiều kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển, thậm chí sẽ thay đổi diện mạo và cách vận hành của nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Dự báo, giá trị của thị trường chuyển đổi số toàn cầu năm 2023 là 665 tỷ USD, trong đó châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 25%; năm 2025 nền kinh tế số Đông Nam Á là 240 tỷ USD. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính – ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển…
Cơ hội để chuyển đổi số
Theo báo cáo của International Data Corporation (IDC), ước tính trong năm 2019, thế giới đã chi 1,18 nghìn tỷ USD cho chuyển đổi số. Đến năm 2020, thị trường này sẽ mở rộng thêm 67% lên gần 20 nghìn tỷ USD và đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số (digital economy) dự kiến sẽ đóng góp 24,3% vào GDP toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty, tập đoàn công nghệ tham gia thành công vào lĩnh vực này sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu do Công ty tư vấn McKinsey đưa ra cho thấy, đóng góp của chuyển đổi số vào tăng doanh thu lợi nhuận rất đáng kể. Với nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một doanh nghiệp có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận 7,3%.
Còn theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Công ty nghiên cứu McKinsey cũng chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu u là khoảng 36%.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Chuyển đổi số đề cập những thay đổi trong đổi mới sản phẩm, tập trung vào trải nghiệm phân phối, vận chuyển đến người tiêu dùng, tái cấu trúc nội bộ các hoạt động kinh doanh và văn hóa công ty.
Starbucks đã thành công tăng trưởng kinh doanh nhờ việc áp dụng chuyển đổi số hóa. Trong năm 2009, sau khi nhận thấy sự sụt giảm trong hiệu quả kinh doanh dẫn đến giá cổ phiếu công ty giảm, Starbucks đã xem xét đến kỹ thuật số nhằm thu hút lại khách hàng. Sử dụng kỹ thuật số để tái cơ cấu hoạt động nội bộ và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhằm nỗ lực cải tiến cách kết nối với khách hàng, Starbucks bắt đầu cung cấp Wifi miễn phí tại các cửa hàng Starbucks, cùng với một trang đích kỹ thuật số (digital landing page) trên nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm nhiều nội dung miễn phí từ các ấn phẩm như The Economist.
Một bước tiến kỹ thuật số mang tính chiến lược khác đó là đẩy nhanh tốc độ của các giao dịch số, bằng cách cắt giảm 10 giây trong mọi giao dịch qua thẻ hoặc qua điện thoại di động, giảm tổng số thời gian lên đến 900.000 giờ. Starbucks cũng đã cập nhật hình thức thanh toán bằng di động tại các cửa hàng và khách hàng sẽ đặt hàng trực tiếp từ điện thoại di động của họ. Cách vận hành mô hình kinh doanh nhờ sử dụng các kênh truyền thông xã hội, di động và các công nghệ khác, Starbucks đã lấy lại tương tác với khách hàng và tăng hiệu suất tổng thể. Kết quả giá cổ phiếu của Starbucks cũng đã tăng trở lại, từ khoảng $8 trong năm 2009 lên gần $74 vào đầu tháng 5 năm 2020 trên sàn chứng khoán NASDAQ.
Ngày 22/8/2017, Coca-Cola đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với FPT trong giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, FPT sẽ tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp số hóa phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất của Coca-Cola Việt Nam.
“Số hóa các hoạt động vận hành nhà máy và kinh doanh là một trong những ưu tiên của Coca-Cola trong tiến trình xây dựng nhà máy thông minh”, bà Tiffani Sassei, Giám đốc Công nghệ thông tin của Coca-Cola toàn cầu nói.
Thực tế, không chỉ Coca-Cola, mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rục rịch cho chuyển đổi số. Một ví dụ là công ty thương mại điện tử Shopee. “Thương mại điện tử là ngành phải xử lý rất nhiều dữ liệu người dùng, vì thế Shopee phải xây dựng hệ thống phân tích sâu để đánh giá thị trường dựa trên Big Data. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch ứng dụng Big Data và Machine Learning (phương pháp phân tích dữ liệu được tự động hóa việc xây dựng mô hình phân tích) vào việc kiểm soát gian lận, chống hàng giả”, ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Shopee chia sẻ.
Trong khi đó, “ông lớn” Vinamilk chuyển đổi số bằng cách đầu tư 2.400 tỷ đồng để tự động hóa các khâu sản xuất. Tập đoàn TH lựa chọn đầu tư hàng trăm ngàn USD cho một chiếc máy cắt cỏ tự động, có thể thay thế cho sức làm việc của 800 người…
Thách thức không nhỏ
Cơ hội mở ra càng nhiều thì thách thức đi kèm cũng không ít. Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi số hiện nay cùng những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp kết nối hàng triệu thiết bị IoT và mở ra các cơ hội phát triển đột phá cho các doanh nghiệp, tổ chức. Bởi khi càng nhiều kết nối được thiết lập, sẽ có càng nhiều dữ liệu quan trọng được số hóa và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị IoT cùng với nguồn dữ liệu khổng lồ được sản sinh sẽ đặt ra những yêu cầu mới trong tiếp cận và triển khai các biện pháp an toàn thông tin cho các cơ quan và tổ chức.
Có 3 yếu tố có thể tạo thành rào cản đối với chuyển đổi số, đó là: công nghệ, chiến lược và văn hoá. Trước đây, kinh doanh yêu cầu thu thập số liệu về người dùng, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thuần túy. Nhưng trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, chiến lược mới, không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng, là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh.
Chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung phát triển nền kinh tế và đẩy mạnh tiến độ, bắt kịp xu hướng thời đại. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức lớn đối với quốc gia khi hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.