Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 tạo nên một sự cộng hưởng các yếu tố dẫn đến những biến động sâu rộng trên thị trường hàng hóa và tài chính toàn cầu.
Chỉ số chứng khoán của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, châu Á liên tục sụt giảm; giá dầu thế giới giảm 26% xuống mức thấp nhất trong 18 năm qua; nhiều ngành kinh tế chủ chốt, trong đó có hàng không chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh; theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, doanh thu của các hãng bay trên toàn cầu sẽ giảm 63-113 tỷ USD trong năm nay vì dịch bệnh; hoạt động sản xuất và dịch vụ tại nhiều nước bị “tê liệt”, có thể làm 25 triệu người mất việc làm. Kinh tế thế giới được dự báo sớm rơi vào suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ ở mức 2,4%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Theo Bloomberg, trong kịch bản xấu nhất, GDP toàn cầu có thể giảm về 0% năm 2020. Ước tính, cần tới 26.000 tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu, để khôi phục kinh tế thế giới. Mỹ, EU, Nhật Bản và các định chế tài chính quốc tế đã công bố hàng loạt các gói hỗ trợ tài chính giúp các nước ứng phó dịch bệnh và khôi phục kinh tế sau đại dịch.
1. Với nền kinh tế Mỹ
Các chuyên gia nhận định kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ tháng 3/2030 khi dịch COVID-19 lan rộng tại Mỹ. Tăng trưởng GDP của Mỹ quý 2/2020 được dự báo chỉ đạt 0% hoặc thậm chí âm. Để phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc đông người, nhiều doanh nghiệp, trung tâm bán lẻ lớn tại Mỹ như: Macy’s, TJ Max, Walmart, Target… đã thông báo giảm thời gian mở cửa hoặc tạm thời đóng cửa đến cuối tháng 3/2020. Nhiều doanh nghiệp đang ưu tiên giảm lượng hàng tồn kho, chú trọng nhập thêm các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, chống dịch COVID-19. Nếu tình hình dịch bệnh tại Mỹ kéo dài, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng may mặc, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Việc các đối tác nhập khẩu của Mỹ tiếp tục đề nghị hoãn hoặc hủy các đơn hàng là khó tránh khỏi.
Tình hình ở Mỹ xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 từ -4% xuống còn -30,1%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 12,8%, mức tiêu thụ giảm 31%. Số người nộp đơn xin hỗ trợ thất nghiệp ở Mỹ đang tăng lên mức kỷ lục, khoảng 3 triệu người. Bank of America cho biết tình trạng công nhân nghỉ việc đang tăng mạnh trong khi các nhà máy đóng cửa hoặc dừng sản xuất. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị y tế và nhân viên trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh. Hàng triệu người Mỹ đang được yêu cầu tự cách ly ở nhà khi các trường hợp nhiễm COVID-19 ở nước này vượt qua 19.000 người, với hơn 260 người thiệt mạng. 45 tiểu bang tại Mỹ đã đóng cửa các trường học, quán bar và nhà hàng. Bởi vậy, ngay trong nửa đầu tháng 3, Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói tài chính trị giá 104 tỉ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Trước đó, một gói hỗ trợ 8,3 tỷ USD cũng được thông qua để các cơ quan y tế nghiên cứu và phát triển vắc-xin. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, gói kích thích để chống lại tác động của COVID-19 với kinh tế Mỹ có thể tăng lên 2.000 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP, để giữ các doanh nghiệp cùng tồn tại, người lao động được trả lương. Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ để giảm bớt tác động từ COVID-19. Đặc biệt, ngày 15/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định hạ 1% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1 – 1,25% hiện nay xuống còn 0 – 0,25%. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần FED hạ lãi suất đồng USD và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 – 2009, FED giảm lãi suất xuống thấp đồng thời thông báo kế hoạch mua vào ít nhất 700 tỷ USD trái phiếu nhằm bình ổn các thị trường tài chính…
Tối 19/03/2020, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Cục dự trữ liên bang Mỹ đã ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ quy mô 60 tỷ USD, thời hạn tối thiểu 6 tháng (đến 19/09/2020) và có thể gia hạn tùy tình hình. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết hai nước ký Hiệp định trên để có thể hoán đổi tiền USD ngay lập tức, nhằm giải quyết tắc nghẽn trên thị trường tiền USD gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định do dịch COVID-19 đang có xu thế lây lan mạnh ở Mỹ và Châu Âu, những tác động tích cực từ Hiệp định hoán đổi tiền tệ Hàn – Mỹ có thể sẽ chỉ ở mức giới hạn.
2.Nền kinh tế Trung Quốc
Sự lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19 đã đưa nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 17,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó nhập khẩu giảm 4%. Vào ngày 6 tháng 3, Liên đoàn Doanh nghiệp Trung Quốc (CEC) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát khác đánh giá hiệu suất Q1 của 299 nhà máy sản xuất lớn và hơn 95% các công ty báo cáo doanh thu giảm, trong khi hơn 80% báo cáo chi phí hoạt động tăng.
Các chỉ số quản lý mua hàng, chỉ số đo lường hoạt động của ngành dịch vụ Trung Quốc đã giảm 50% vào tháng 02/2020 và giao thông công cộng ở Bắc Kinh chỉ đạt 15% công suất. Quan trọng hơn, ngành tiêu dùng đã giảm đáng kể từ 51,8% trong tháng 1 xuống 26,5% trong tháng 2/2020. Đặc biệt, sự ngưng trệ sản xuất của các nhà máy tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tờ The Guardian (Anh) chỉ rõ, nhiều công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp của Trung Quốc. Ví dụ, trong số 800 nhà cung cấp của Apple, có 290 nhà cung cấp ở Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 9% sản lượng TV trên toàn cầu.
50% ngành sản xuất của Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, 25% liên quan đến các nguồn cung công nghệ khác trong khu vực. Giới lãnh đạo các hãng xe hơi ở châu Âu và Mỹ đã cảnh báo rằng họ chỉ còn vài tuần nữa là thiếu nguồn cung liên quan đến xe ô tô. Do thiếu các linh kiện do Trung Quốc cung ứng, Hyundai Motors đã ngừng hoạt động tại Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo về tác động của COVID-19 ở Đông Á – Thái Bình Dương, cho dù trong viễn cảnh khả quan nhất, mức tăng trưởng kinh tế tại khu vực này sẽ sụt giảm mạnh, trong đó kinh tế Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 2,3% sau khi đạt 6,1% trong năm ngoái.
3. Các nền kinh tế lớn của châu Âu lao đao trong tâm dịch
Khi Đức, Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha bất đắc dĩ lọt vào top 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng mắc COVID-19 thì cũng là lúc giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) và nhà lãnh đạo của các quốc gia này định hình rõ hơn về những thách thức mà họ chuẩn bị đương đầu.
Thay vì tăng trưởng 0,5% trong năm nay như dự báo của Ngân hàng Italy, nền kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng” có thể sẽ giảm 3% hoặc nhiều hơn nữa, tùy thuộc vào thời gian và mức độ đại dịch hoành hành trên toàn quốc. Triển vọng kinh tế của Italy trong thời gian tới chắc chắn sẽ kém tươi sáng. Ngay lúc này, Italy đang phải chạy đua với thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế khi chứng kiến số ca mắc bệnh và tử vong cao nhất châu Âu, với hơn 115 nghìn người bệnh và gần 14 nghìn ca tử vong.
Liên đoàn Công nghiệp Italy (Confindustria) cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý I/2020 giảm 5,4%, mức giảm lớn nhất trong 11 năm qua. Theo phân tích của Confindustria, tác động của COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong tháng 3 vừa qua là rất lớn vì hoạt động công nghiệp đã giảm 16,6% so với tháng 2, như vậy chỉ số sản xuất Italy đã quay về mức của 42 năm trước. Đây là hệ quả của việc Italy đóng cửa khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất.
Trong tuyên bố ngày 02/04, Confindustria đưa ra hai kịch bản. Nếu giai đoạn cam go của tình trạng y tế khẩn cấp hiện nay chấm dứt vào tháng 05/2020 và hoạt động sản xuất dần được khôi phục từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 06/2020 thì GDP của Italy trong hai quý đầu năm 2020 sẽ giảm 10% so cuối năm 2019. Nhưng về tổng thể, GDP của nước này trong năm nay sẽ giảm 6%. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp được kéo dài sau tháng 5 tới thì Confindustria sẽ buộc phải hạ mức các dự báo. Theo đó, GDP của Italy sẽ giảm thêm khoảng 0,75% trong mỗi tuần bởi các hoạt động sản xuất bị gián đoạn.
Với hơn 112 nghìn ca nhiễm và 10.300 ca tử vong, Tây Ban Nha đang là điểm nóng thứ hai về dịch bệnh tại châu Âu và thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Italy. Số liệu về tình hình thất nghiệp hàng tháng mới được công bố cho thấy dịch bệnh đang gây áp lực cho nền kinh tế Tây Ban Nha ở mức độ nặng nề như thế nào. Quốc gia có 46,8 triệu dân đã ghi nhận hơn 303 nghìn người mất việc làm trong tháng 3 vừa qua và có tới 3,55 triệu người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội giảm gần 834 nghìn trường hợp trong bối cảnh lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 14/03 trên toàn quốc, gây ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp nhỏ và những người tự kinh doanh. Dữ liệu của Hệ thống giao thông công cộng Madrid đã nói lên phần nào tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Cụ thể, nhu cầu tham gia giao thông công cộng của người dân đã giảm 93% so cùng kỳ năm 2019. Chính phủ Tây Ban Nha thông báo sẽ bơm 200 tỷ Euro vào nền kinh tế quốc gia thông qua hàng loạt biện pháp ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
Đến nay, Đức đã ghi nhận gần 85 nghìn ca mắc bệnh và hơn 1.100 người chết do COVID-19, tỷ lệ tử vong tại đây thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, Hội đồng Chuyên gia kinh tế (GCEE) có nhiệm vụ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Đức dự đoán, GDP của Đức trong năm 2020 có thể sẽ giảm 2,8% do dịch bệnh, sau đó tăng trưởng 3,7% vào năm 2021. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức IFO, nền kinh tế của nước này sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Hạ mức dự báo kinh tế xuống gần ba điểm phần trăm trong kịch bản được đánh giá là rất tích cực, IFO cho rằng nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái và giảm 1,5% trong năm 2020. Dù nhận định GDP của Đức vẫn tăng nhẹ trong quý I/2020 nhưng IFO cảnh báo cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra sẽ bộc lộ toàn bộ sức tàn phá của nó trong quý II, khiến GDP giảm 4,5 điểm phần trăm.
Theo Standard & Poor’s Global Ratings, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh đang đối mặt với suy thoái và GDP của Eurozone và Anh sẽ giảm khoảng 2% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc GDP năm 2020 của Eurozone và Anh sẽ mất khoảng 420 tỷ euro so với dự báo mà Standard & Poor’s Global Ratings đưa ra hồi tháng 11/2019. Trong tình hình căng thẳng này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hối thúc chính phủ làm mọi việc có thể để vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Anh mới đây thông báo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vay 330 tỷ bảng (gần 400 tỷ USD) để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Trước đó, Anh đã công bố gói 30 tỷ bảng nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Ngân hàng Unicredit Bank Austria dự báo, GDP Áo sẽ giảm 0,6%, chủ yếu do COVID-19; nền kinh tế Áo sẽ suy giảm trong nửa đầu năm 2020, sau đó hồi phục và phát triển trong nửa cuối năm nay. Theo thông tin của Hiệp hội Thương mại Áo, khoảng 80% các nhà bán lẻ trong các lĩnh vực liên quan đến thời trang, điện tử và trang sức đã bị lỗ trung bình khoảng 25% kể từ đầu tháng 3/2020. Ngành xây dựng của Áo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; ngày 18/03/2020, tập đoàn Strabag, công ty xây dựng lớn nhất tại Áo, đã quyết định ngừng khoảng 1.000 công trình đang được triển khai, gây ảnh hưởng tới việc làm của hơn 11.000 lao động.
4. Nền kinh tế Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP trong quý I/2020 chỉ đạt 3,82%. Cụ thể, trong quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần như không có tăng trưởng (chỉ đạt 0,08%), khu vực dịch vụ tăng rất thấp, chỉ đạt 3,27%, bằng một nửa mức tăng của các năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3/2020 đã giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020…
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự lây lan mạnh dịch bệnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.
Dịch COVID-19 có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Cú sốc sẽ mạnh như thế nào là tùy thuộc vào phương thuốc của chính phủ, ngân hàng trung ương các nước và các định chế tài chính quốc tế.
Mặt khác, để có thể vượt qua được khủng hoảng do bệnh dịch Covid-19 gây ra, bên cạnh các biện pháp của ngành y tế trong việc ngăn chặn và khống chế được dịch bệnh thì bản thân mỗi cá nhân và doanh nghiệp cũng phải tự thân nỗ lực nhằm đảm bảo và duy trì tài chính để có thể vượt qua được sự khủng hoảng kinh tế khủng khiếp này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thế giới sẽ sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và sẽ bùng nổ mạnh mẽ sau khi đại dịch kết thúc.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.