Các nhà tuyển dụng hàng đầu luôn coi trí tuệ xúc cảm (EQ) là một trong những yếu tố đánh giá quan trọng trong việc tìm kiếm ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát với hơn 2.600 giám đốc tuyển dụng và chuyên gia nhân sự tại Mỹ đã chỉ ra rằng:
71% trong số họ coi trọng trí tuệ xúc cảm hơn chỉ số IQ của một nhân viên.
75% cho biết rằng họ sẽ nghiêng về lựa chọn thăng chức cho các ứng viên có chỉ số EQ cao chứ không phải ứng viên có chỉ số IQ cao.
Những nhân viên có chỉ số EQ cao là vô giá vì họ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường làm việc tuyệt vời. Từ đó, gia tăng hiệu quả làm việc của cả một tập thể doanh nghiệp. Nhưng là một nhà tuyển dụng, làm thế nào để bạn có thể xác định được ứng viên có chỉ số EQ cao trong quá trình tuyển chọn?
Dưới đây là năm điều mà cần tìm:
1. Tìm kiếm những người “sẵn sàng học tất cả”, không phải là “biết tất cả”.
Là một nhà tuyển dụng, bạn luôn mong muốn tìm thấy những ứng viên tự tin vào kỹ năng của mình. Tuy nhiên, ở mặt khác, bạn cũng nên để mắt tới những người chưa hoàn hảo nhưng sẵn sàng hoàn thiện bản thân và học hỏi từ những người xung quanh.
Đó là bởi, mỗi công ty đều tồn tại và phát triển dựa trên cả sức mạnh của tập thể. Một đội nhóm tuyệt vời luôn có thể hoàn thành nhiều việc hơn một người, cho dù người đó có tài năng đến đâu. Vậy nên, việc quá chú trọng vào kỹ năng rồi lựa chọn tuyển dụng một “brilliant jerk” (thiên tài ích kỷ) tách biệt và luôn tự cho mình là đúng có thể sẽ hủy hoại hiệu suất làm việc của cả một tập thể.
Nếu được, hãy tìm kiếm một ứng viên có kỹ năng tốt, luôn không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân và cũng sẵn sàng chia sẻ những gì họ đã học được tới những người khác trong đội ngũ.
2. Tìm kiếm những người hiểu bản thân mình.
“Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” Đây là một câu hỏi hiệu quả để kiểm tra trí thông minh xúc cảm của các ứng viên.
Những người phỏng vấn có kinh nghiệm biết rằng chỉ một số ứng viên tiềm năng mới có thể xác định được điểm yếu thực sự của bản thân họ. Và thâm chí một số xuất sắc hơn thì đã có kế hoạch sửa đổi những điểm yếu đó. Để làm được như vậy, những ứng viên này cần có sự nghiền ngẫm về bản thân, một tư duy phản biện sắc bén và khả năng chấp nhận phản hồi tiêu cực – những phẩm chất cần nhiều năm để rèn luyện.
3. Tìm kiếm những người biết cách im lặng
Hầu hết các ứng viên đều cố gắng trả lời mọi câu hỏi phỏng vấn ngay lập tức. Họ sợ rằng nếu như mình dừng lại trước khi trả lời, nhà tuyển dụng sẽ thấy mình không đủ tiêu chuẩn hoặc ngu ngốc.
Nhưng bạn biết điều gì mới thực sự ngu ngốc không? Cố gắng trả lời một câu hỏi khó mà không cần suy nghĩ kỹ.
Hãy tìm những ứng viên biết cách im lặng. Họ không ngại dừng lại vài giây, ngay cả khi điều này có tạo ra cảm giác không thoải mái – bởi vì những ứng viên này biết rằng sự dừng lại đó có nghĩa là họ đang kiểm soát tốt cảm xúc của mình để đưa ra câu trả lời đúng đắn hơn.
4. Tìm kiếm những người biết cách xây dựng mối quan hệ.
Bạn có thể phải nói chuyện với hàng trăm ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Nếu trình độ và kinh nghiệm của họ là tương đương nhau, làm thế nào bạn có thể tìm ra ai là người nổi bật nhất?
Hãy để ý đến những người viết thư tay, hoặc gửi email cho công ty ngay sau cuộc phỏng vấn. Trong đó, có thể họ đề cập đến điều gì đó mà họ thích về công ty, hay thậm chí nói về một câu hỏi trong lúc phỏng vấn mà họ ước mình đã trả lời khác đi…
Những ứng viên làm được điều này cho thấy họ biết cách sử dụng sức mạnh của cảm xúc để xây dựng kết nối. Và đây chính là một dấu hiệu cho thấy kỹ năng quản lý mối quan hệ tuyệt vời.
5. Tìm kiếm những người biết cách đặt câu hỏi.
Hãy nhớ rằng một cuộc phỏng vấn tuyển dụng tốt cần phải đáp ứng được cả hai chiều: Nhà tuyển dụng sẽ xem xét liệu ứng viên có đáp ứng được yêu cầu của công ty hay không; và ngược lại, ứng viên cũng có thể xác định xem công ty có phù hợp với họ hay không qua buổi phỏng vấn.
Vì vậy, hãy tìm kiếm các ứng viên có thể sử dụng những câu hỏi khéo léo để thu thập thông tin về công ty và văn hóa doanh nghiệp. Họ có thể hỏi về những ngày đầu tiên đi làm sẽ như thế nào, hỏi về các giá trị của công ty và chỉ ra cách mà những giá trị này phù hợp với giá trị của họ, hay thậm chí là hỏi về những thách thức trong công việc…
Bằng việc đặt ra những câu hỏi đa dạng, các ứng viên này cho thấy rằng họ không chỉ làm theo cảm tính mà có đầu tư nghiêm túc vào buổi phỏng vấn. Sự chuẩn bị và suy nghĩ cẩn thận trước các vấn đề là biểu hiện của một người có trí tuệ xúc cảm tốt.
Tìm kiếm những nhân sự vừa có chỉ số IQ cao lại vừa có EQ tốt không phải là điều dễ dàng; nhưng bạn hoàn toàn có thể làm được nếu biết mình cần tìm kiếm gì. Vậy nên, nếu bạn đang tuyển dụng nhân sự mới, hãy nhớ:
1. Tìm kiếm những người “sẵn sàng học tất cả”, không phải là “biết tất cả”..
2. Tìm kiếm những người hiểu bản thân mình
3. Tìm kiếm những người biết cách im lặng
4. Tìm kiếm những người biết cách xây dựng mối quan hệ.
5. Tìm kiếm những người biết cách đặt câu hỏi.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.