Thị trường kinh doanh luôn phức tạp và có sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi vậy, việc tự đứng ra quản lý và phát triển kinh doanh là một bài toán không hề đơn giản nhiều cá nhân mới bắt đầu kinh doanh. Trong hoàn cảnh này, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là một trong những sự lựa chọn an toàn và phù hợp.

Nhượng quyền thương hiệu là gì?

Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) là hoạt động nhượng quyền kinh doanh, cho phép một cá nhân hay tổ chức được bán hàng hóa hay dịch vụ đã có thương hiệu từ trước trên thị trường. Bên nhượng quyền sẽ cung cấp bên nhận quyền công thức, mô hình, cách thức vận hành kinh doanh, sản phẩm,… tùy vào các thỏa thuận giữa hai bên. Bên mua sẽ trả một khoản phí hoặc chia phần trăm doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.

Ưu điểm của kinh doanh nhượng quyền thương hiệu

(Đối với bên nhận nhượng quyền)

Tận dụng được lợi thế thương hiệu. Người kinh doanh sẽ không phải xây dựng thương hiệu từ đầu bởi sử dụng một thương hiệu đã được định vị trên thị trường và có tên tuổi từ trước. Các sản phẩm của thương hiệu đó đã được tung ra và được thị trường đón nhận thành công mới có thể tiếp tục nhượng quyền.

Hệ thống quản lý chặt chẽ, đào tạo bài bản, chất lượng và đồng bộ. Các quá trình vận hành kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo uy tín của thương hiệu cho đến khâu tuyển chọn nhân viên đều được bên nhượng quyền hệ thống hóa dựa trên các tiêu chuẩn nhất định. Bên nhận nhượng quyền hoàn toàn có thể sử dụng kinh nghiệm và các bí quyết tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền để vận hành trôi chảy và thu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, phía công ty nhượng quyền cũng sẽ cung cấp toàn bộ hệ thống đào tạo một cách đầy đủ, chi tiết nhất để bên nhận quyền áp dụng xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp và am hiểu về thương hiệu.

Được hỗ trợ tối đa từ chủ thương quyền. Hỗ trợ bên nhận quyền có nghĩa là giúp thương hiệu của mình được phát triển mạnh mẽ hơn. Ý thức được điều này nên phía chủ thương hiệu luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa trong các vấn đề như tiếp thị, thiết kế cửa hàng, thủ tục pháp lý, tài chính… để bên mua nhượng quyền vượt qua được những khó khăn khi áp dụng mô hình kinh doanh.

Được tập trung phát triển nguồn lực tốt nhất của mình do toàn bộ quy trình, công thức kinh doanh, sản phẩm,… đã được cung cấp.

– Nếu có các định hướng kinh doanh và kế hoạch phát triển tốt sẽ thu được nguồn doanh thu lớn chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí đủ đề bù vào chi phí nhượng quyền.

Các mô hình nhượng quyền thương hiệu

1. Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện

Nhượng quyền kinh doanh toàn diện là hình thức nhượng quyền “trọn gói”, thời hạn hợp đồng giao kết tương đối dài có thể từ 20 – 30 năm tùy theo tiềm lực và có mối ràng buộc chặt chẽ giữa bên bán và bên mua.

Khi nhượng quyền kinh doanh toàn diện, bên bán sẽ cung cấp cho bên mua 4 nội dung chính, bao gồm:

– Hệ thống: chiến lược, mô hình, quy trình vận hàng được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn luyện, tư vấn & hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo

– Bí quyết công nghệ sản xuất/ kinh doanh

– Hệ thống thương hiệu

– Sản phẩm/ dịch vụ

Thông thường khi thực hiện hình thức nhượng quyền này thì bên nhận nhượng quyền sẽ chịu 2 khoản phí cơ bản là phí hoạt động và phí nhượng quyền ban đầu. Thông thường bên nhượng quyền sẽ giúp bên nhận nhượng quyền trong chi phí thiết kế & trang trí cửa hàng, mua trang thiết bị, chi phí tiếp thị, quảng cáo, các khoản chênh lệch do mua nguyên vật liệu, hay chi phí tư vấn.

2. Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện

Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện có thể hiểu ngắn gọn là nhượng một mảng nào đó của bên nhượng quyền. Ví dụ như:

– Nhượng quyền phân phối sản phẩm

– Nhượng quyền công thức sản xuất và tiếp thị: Bên bán hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, vân hành kinh doanh cho bên mua và cho phép quyền kinh doanh.

– Cấp phép sử dụng thương hiệu: Bên mua được phép sử dụng tên thương hiệu và sức hút từ nó (thường áp dụng đối với các thương hiệu rất lớn).

Khi thực hiện hình thức nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện thì bên nhượng quyền không giám sát và can thiệp quá nhiều trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận nhượng quyền.

Mục đích của hình thức này là bên nhượng quyền muốn tạo độ phủ của thương hiệu trên thị trường, tăng doanh thu, và tạo ra khác biệt so với đối thủ cạnh tranh

3. Nhượng quyền có tham gia quản lý

Với hình thức nhượng quyền này, công ty “mẹ” tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý và điều hành của bên mua nhượng quyền thương hiệu bằng cách gửi người sang làm việc. Hình thức này thường được áp dụng tại các chuỗi F&B lớn hay các chuỗi nhà hàng, khách sạn đòi hỏi cao về quản lý chất lượng.

4. Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn

Với hình thức này, bên nhượng quyền sẽ vừa là bên bán vừa là một nhà đầu tư, đầu tư một phần vốn vào cơ sở kinh doanh mới. Như vậy bên bán sẽ có khả năng can thiệp sâu hơn vào quy trình của bên mua, đồng thời, san sẻ trách nhiệm với bên mua. Ngoài ra, bên bán cũng có cơ hội thu thập thêm thông tin và nhu cầu thị trường mà họ mới thâm nhập được.

5 bước khởi nghiệp với mua nhượng quyền thương hiệu

Bước 1: Chuẩn bị cơ bản

– Kiểm tra khả năng tài chính, mức độ đầu tư có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh. Chi phí cho cuộc nhượng quyền thương hiệu không hề rẻ. Và để duy trì hợp đồng mỗi tháng cũng không ít chưa kể các khoản đầu tư ban đầu. Bạn nên tính toán kỹ càng các chi phí cố định hàng tháng và chi phí có thể phát sinh, đặc biệt trong thời gian đầu khởi nghiệp để giảm thiểu rủi ro xảy ra.

– Thu thập dữ liệu và nghiên cứu thị trường. Qua đó đánh giá thương hiệu nhượng quyền mà bạn đang hướng đến có thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn và xứng đáng với số tiền mình sắp phải bỏ ra mua hay không.

– Tìm hiểu đối thủ cạnh tranh và phân tích điểm mạnh – điểm yếu của họ.

– Xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các nhận định về cơ hội và thách thức

Bước 2: Lựa chọn thương hiệu

– Tìm hiểu về thương hiệu bạn đang quan tâm và xem xét, so sánh các thương hiệu cùng ngành. Tránh mua các thương hiệu có tuổi đời thấp dưới 2 năm còn non trẻ hoặc thương hiệu mà ít người biết tới.

– Tìm hiểu về người chủ thương hiệu – công ty nhượng quyền thông qua liên hệ trực tiếp với văn phòng nhượng quyền hoặc các kênh như mạng xã hội để có được các báo cáo tài chính, bản mô tả kinh nghiệm kinh doanh của nhóm quản lý thương hiệu.

– Tìm hiểu chuỗi cơ sở kinh doanh trong hệ thống của thương hiệu: Bạn có thể tham quan nhiều địa điểm kinh doanh và quan sát, so sánh các cơ sở với nhau về số lượng khách hàng. Hãy thử trải nghiệm sản phẩm/ dịch vụ trong chuỗi. Từ đó đánh giá doanh thu, chất lượng chuỗi có đồng đều hay không. Nếu có sự đồng bộ chứng tỏ hệ thống chuỗi đào tạo và kiếm soát chất lượng rất tốt.

Bước 3: Nghiên cứu hợp đồng mua nhượng quyền

Bạn cần liên hệ với bộ phận nhượng quyền để tìm hiểu trước các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền. Nếu chưa có chuyên môn, bạn có thể nhờ sự tham vấn của người có chuyên môn đáng tin cậy hoặc luật sư để có thể hiểu rõ mọi vấn đề trong hợp đồng đưa ra, đặc biệt các điều khoản đến chi phí nhượng quyền, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Bước 4: Tìm kiếm địa điểm phù hợp

Sau khi đã lựa chọn được thương hiệu và nghiên cứu hợp đồng, bạn cần tìm mặt bằng phù hợp với mô hình kinh doanh và các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền. Đánh giá được điểm tương đồng giữa các cơ sở kinh doanh trong chuỗi sẽ giúp bạn xác định địa điểm bắt đầu tốt hơn. Không nên mở gần các cơ sở khác dẫn đến cạnh tranh trong nội bộ thương hiệu và có thể vi phạm vào chính sách nhượng quyền, dẫn đến nhiều sai sót trong quá trình kinh doanh nhượng quyền.

Bước 5: Ký hợp đồng với bên bán và bắt đầu sự nghiệp của bạn

Dựa trên các nội dung mà bên nhượng quyền thương hiệu cung cấp và sang nhượng lại theo hợp đồng/ các văn bản khác, bạn có thể bắt tay vào triển khai xây dựng, quản lý vận hành và tạo ra doanh thu cho chính mình.

Một số thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng

– Ở Mỹ, các thương hiệu nằm trong nhóm 100 thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng nhất đa phần thuộc ngành cung cấp đồ ăn nhanh như McDonald’s, KFC, Burger King; ngoài ra ở lĩnh vực bán lẻ có 7-Eleven, ngành du lịch khách sạn có Marriott International; chăm sóc sức khỏe có Interim HealthCare,..

– Tại Việt Nam hiện nay ngành dịch vụ ăn uống có mức tăng trưởng khá ổn định dù thị trường biến động. Các ông lớn ở nước ngoài cũng đa du nhập và không thể không kể đến Pizza Hut, KFC, Lotteria, Mc Donald’s, Burger King, Highland Coffe, Angle-In-Us,…

– Lĩnh vực bán lẻ: Việt Nam với dân số đông và sức mua cao, lĩnh vực bán lẻ được dự đoán sẽ càng phát triển lớn mạnh. Hiện nay thị trường đang có sự canh tranh gay gắt giữa các gương mặt đình đám từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… như Family Mart, BigC, Circle K, Miniso,…

– Lĩnh vực thể dục thể thao có chuỗi các phòng tập của các thương hiệu nổi tiếng như California Fitness & Yoga, Elite Finess, Getfit Gym,…

Hiện nay, mô hình kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu ngày càng phổ biến tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Khi tham gia vào một thị trường đã đầy rẫy những người khổng lồ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không dễ dàng gì để có thể cạnh tranh. Bởi vậy, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu có thể sẽ là một lựa chọn phù hợp và an toàn cho một người muốn khởi nghiệp kinh doanh và đã có sẵn một số vốn tương đối.

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.