David Ogilvy (1911–1999) được biết đến như một trong những “cha đẻ của ngành quảng cáo” với khả năng đỉnh cao trong truyền tải thông điệp, một sự nghiệp thành công rực rỡ trong ngành sáng tạo và những trải nghiệm cuộc sống đầy phong phú.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Ogilvy đã sáng tạo ra những chiến dịch tiếp thị xuất sắc là case-study điển hình được giảng dạy tại các trường đại học trên toàn thế giới. Ta có thể kể đến tác phẩm để đời “chiến dịch quảng cáo áo sơ-mi Hathaway” hay những chiến dịch quảng cáo nổi tiếng mà ông đã triển khai cho Rolls Royce, Schwepps và Puerto Rico.
Vào năm 1962, tạp chí Time gọi ông là “nhà phù thủy được săn lùng nhiều nhất trong ngành quảng cáo”. Và trong thời đại ngày nay, dù rằng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, sự thành công của Ogilvy cùng nhiều lời khuyên của ông vẫn như là một trong những “khuôn vàng thước ngọc” của các nhà quảng cáo hay những người làm tiếp thị nội dung.
5 bài học tiếp thị nội dung từ David Ogilvy
1. Tạo ra những tiêu đề tuyệt vời
“Trung bình, số người đọc tiêu đề nhiều gấp năm lần so với đọc nội dung. Vậy nên, khi viết ra một tiêu đề, bạn đã tiêu 80 xu từ 1 đô la của mình. ” – David Ogilvy
Như Ogilvy đã chỉ ra, dòng tiêu đề của bạn là thứ đầu tiên (và đôi khi là duy nhất) mà khán giả của bạn sẽ đọc. Bởi vậy, nếu dòng tiêu đề của bạn không đủ sức hút, bạn gần như sẽ lãng phí cả bài viết của mình. Dưới đây là một số mẹo để tạo ra những tiêu đề tốt.
Đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho một tuyên bố. Ví dụ, một bài đăng từ Inc.com có tên “10 chiến lược năng suất được chứng minh bởi khoa học”, đã thu hút được hơn 1.100 lượt chia sẻ. Dòng tiêu đề làm rất tốt trong việc đảm bảo cho người đọc thấy rằng bài viết đáng để họ dành thời gian. (Tiếp theo, đoạn mở bài ngay bên dưới sẽ bắt đầu bằng một con số dữ liệu hoặc một sự thật ấn tượng để làm rõ hơn nội dung trong phần tiêu đề.)
Chia sẻ một bài học. Chia sẻ kinh nghiệm thông qua dòng tiêu đề để thu hút sự chú ý và minh họa cho bài viết. Ví dụ, ta có thể sử dụng định dạng “Những gì tôi đã học được”. Entrepreneur magazine đã sử dụng chiến lược này với dòng tiêu đề, “Tôi học được gì từ nghề môi giới….” và thu hút hơn 1.600 lượt chia sẻ.
Sử dụng các con số trong những dòng tiêu đề. Bộ não của chúng ta yêu những danh sách, vì chúng hứa hẹn rằng bộ não sẽ được làm việc ít hơn để tiêu hóa nội dung trong bài viết. Và hơn nữa, có vẻ như những con số ta chọn cho danh sách của mình có thể ảnh hưởng đến hiệu suất nội dung. Nhiều nhà nghiên cứu tiếp thị tuyên bố rằng họ thấy sự khác biệt đáng kể giữa hiệu suất tương tác của những danh sách có con số lẻ và những danh sách có con số chẵn. Vậy nên, khi bạn được lựa chọn, hãy luôn chọn tạo ra một danh sách với con số số lẻ.
Sử dụng số liệu thống kê trong dòng tiêu đề. Và cuối cùng, hãy sử dụng một số liệu thống kê hấp dẫn trong dòng tiêu đề của bạn (đặc biệt hiệu quả nếu số liệu thống kê đó khó tin). Ví dụ: Co-Schedule đã sử dụng dòng tiêu đề này trong bài viết của họ: “Đây là lịch đăng bài trên mạng xã hội sẽ tăng lưu lượng truy cập lên 192%,” và đã nhận được 409 lượt chia sẻ. David Ogilvy đã sử dụng chiến thuật này nhiều thập kỷ trước, khi ông viết “Hiện tại, Puerto Rico miễn 100% thuế cho ngành công nghiệp mới.”
2. Làm cho nội dung trở nên hài hước.
“Những ý tưởng hay nhất đến như những câu chuyện cười. Hãy làm cho suy nghĩ của bạn trở nên hài hước nhất có thể.” – David Ogilvy
Hãy nghe theo lời khuyên của Ogilvy và hãy nhớ rằng những ý tưởng hay nhất là những ý tưởng có thể khiến bạn bật cười. Bạn có thể ghi chú những ý tưởng này, sử dụng chúng trong nội dung của mình (khi có thể) và làm cho nội dung trở nên thú vị hơn. Dưới đây là một vài lời khuyên.
Sử dụng đoạn mở đầu. Nơi dễ nhất (và chiến lược nhất) để làm cho nội dung trở nên thú vị là ở phần giới thiệu. Hãy kể một câu chuyện đùa vui vẻ. Điều này sẽ mang đến cho nội dung của bạn một khởi đầu mạnh mẽ; nhưng đừng đánh mất động lực này – hãy tiếp tục tạo ra cá tính và sự dí dỏm trong suốt tác phẩm.
Thỏa sức sáng tạo với hình ảnh. Phần lớn độc giả của bạn là những người thích tiếp thu nội dung trên hình ảnh (trên thực tế, khoảng 64%). Hãy thêm sức sống cho nội dung của bạn bằng cách đưa vào những hình ảnh sự giải trí và hài hước để khiến người đọc dễ dàng hơn trong việc hiểu được nội dung mà bạn muốn truyền tải.
Đừng bỏ qua những điều thường nhật. Những điều chúng ta vẫn thường làm trong đời sống bình thường cũng có thể trở nên rất hài hước. Bởi vậy, hãy khéo léo sử dụng những ví dụ mà người đọc của bạn có thể liên hệ đến trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ví dụ như ở quảng cáo dưới đây, thương hiệu Vodka Cá sấu đã lồng ghép một số tình huống khó khăn trong cuộc sống đời thường (chia tay người yêu, gia đình mâu thuẫn…) rồi sau đó đưa ra cách giải quyết tình huống rất thú vị và tạo ra tiếng cười cho khán giả.
3. Kiểm tra, thử nghiệm và tiếp tục thử nghiệm.
“Không bao giờ ngừng thử nghiệm và quảng cáo của bạn sẽ không ngừng cải thiện.” – David Ogilvy
Ogilvy biết rằng để hiểu liệu bạn có đang nắm bắt được chính xác hiệu quả từ từng đồng mà mình đã chi tiêu hay không – bạn phải kiểm tra. Bởi vậy, đừng chỉ dựa vào trực giác với những nỗ lực trong tiếp thị nội dung của bạn; thay vào đó, hãy phát triển các chiến lược để kiểm tra và đo lường từng phần nội dung mà bạn phát hành. Dưới đây là một số bước để bắt đầu:
Sử dụng các thử nghiệm A / B cho nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ: Bạn có thể muốn bắt đầu bằng việc thay đổi một vài yếu tố ở website của công ty, chẳng hạn như thêm “bài đăng được đề xuất” ở cuối mỗi bài. Bạn có thể nhanh chóng thấy rằng việc thay đổi một số yếu tố sẽ giữ người đọc ở lại trang lâu hơn và tạo ra kết quả chuyển đổi tốt hơn.
Thử nghiệm các tiêu đề. Bạn có thể thử nghiệm nhiều kiểu tiêu đề khác nhau để so sánh và xác định xem kiểu nào thì phù hợp nhất với đối tượng mục tiêu của mình.
Thử nghiệm với các hình ảnh. Như đã đề cập ở phần trên, phần lớn độc giả thích tiếp thu thông tin qua hình ảnh. Vì vậy, đừng quên xem xét các yếu tố hình ảnh. Ví dụ: SAP đã sử dụng thử nghiệm A / B để xác định xem việc sử dụng những hình ảnh thu nhỏ có thúc đẩy sự quan tâm của độc giả đến tiêu điểm tin tức của công ty hay không. Thử nghiệm cho thấy rằng nó đã tăng mức độ tương tác lên 62%.
Hãy nghe theo lời khuyên của Ogilvy và không ngừng thử nghiệm các yếu tố khác nhau trong hoạt động tiếp thị nội dung để đảm bảo rằng mỗi phần đều đạt được hiệu suất tối ưu.
4. Tạo ra nội dung thu hút.
“Đừng nói với độc giả của bạn như thể họ đang tụ tập với nhau trong một sân vận động. Khi mọi người đọc nội dung của bạn, họ chỉ có một mình. Vậy nên, hãy giả vờ như bạn đang thay mặt cho khách hàng của mình để viết cho mỗi người trong số họ một bức thư.” – David Ogilvy
Khán giả của bạn luôn ngập trong lượng lớn nội dung mỗi ngày. Họ đã bị “sốc” hoặc “chai lì” với nội dung. Vậy nên, nếu muốn tạo ra tác động, bạn cần phải làm cho nội dung của mình trở nên cá nhân hơn. Mỗi người đọc đề phải cảm thấy như bạn đang nói chuyện với chính họ ở cấp độ cá nhân. Dưới đây là một số mẹo để đạt được điều này.
Kể một câu chuyện. Dove là một ví dụ điển hình. Trước đây, họ tập trung vào việc kể những câu chuyện về làm đẹp, thường hướng đến đối tượng phụ nữ. Nhưng gần đây, họ cũng bắt đầu kể những câu chuyện của đàn ông để quảng cáo cho những sản phẩm mới của mình. Hãy cố gắng thấu hiểu và kể ra những câu chuyện đi vào lòng đối tượng khán giả mục tiêu của bạn.
Sử dụng giáo cụ trực quan. Thêm đồ họa thông tin, video và các yếu tố hình ảnh khác vào tiếp thị nội dung để tăng mức độ tương tác. Hoặc bạn cũng có thể tái sử dụng một số nội dung hiện có để tạo ra nội dung hình ảnh. Ví dụ: chuyển đổi SlideShare thành Infographic.
Tạo ra những nội dung dài hơn. Mặc dù nghe có vẻ phản logic nhưng những nội dung dài hơn thực sự hoạt động tốt hơn. Tuy rằng 85% nội dung của các bài viết trên internet ít hơn 1.000 từ; nhưng nếu bạn kiểm tra các trang web nổi tiếng như Financial times, inc Magazine, Businessinsider… bạn sẽ thấy rằng đa số nội dung trên những trang web này đều dài hơn (và thường hoạt động tốt hơn).
5. Trò chuyện và kết nối với độc giả của mình.
“Nếu bạn đang cố gắng thuyết phục mọi người làm điều gì đó hoặc mua thứ gì đó, với tôi, có vẻ như bạn nên sử dụng ngôn ngữ của họ, ngôn ngữ mà họ sử dụng hàng ngày, ngôn ngữ mà họ nghĩ.” – David Ogilvy
Không gì tệ hơn cho trải nghiệm của độc giả bằng việc đọc một bài quảng cáo có nội dung “Tại Công ty XYZ, công ty hàng đầu (cái gì đó-hay-cái-khác), chúng tôi cố gắng cung cấp cho khách hàng của mình (chèn tính từ và động từ vào đây)”. Hãy sử dụng cùng loại ngôn ngữ đối tượng mục tiêu của bạn. Nhưng làm thế nào để bạn biết đối tượng mục tiêu đang sử dụng ngôn ngữ nào?
Phỏng vấn khách hàng. Hãy mở ra các cuộc phỏng vấn, khảo sát và chú tâm lắng nghe khách hàng để hiểu ngôn ngữ mà họ sử dụng để mô tả vấn đề của mình. Sau đó, bạn có thể tích hợp ngôn ngữ này vào các nỗ lực tiếp thị nội dung của mình. Hãy xin phép ghi âm các cuộc phỏng vấn (nếu có thể) để bạn có thể nghe lại sau và thấu hiểu sâu sắc hơn.
Lắng nghe trên mạng xã hội. Trong thời đại công nghệ số hiện này, hầu hết khách hàng của bạn đều sẽ dành thời gian trực tuyến trên một trang mạng xã hội nào đó? Đó có thể là một hội nhóm trên Facebook, trên twitter của người nổi tiếng hay kênh Instagram của một Influencer… Hãy tìm kiếm những nơi họ thường xuất hiện, lưu ý và ghi chú lại những ngôn ngữ mà họ đang sử dụng ở những nơi đó.
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh. Những cái tên nào đang làm tốt trong thị trường ngách của công ty bạn? Hãy theo dõi và tìm hiểu cách thức mà họ thu hút và tương tác hiệu quả với khách hàng thông qua tiếp thị nội dung; cũng như ghi nhớ những mặt chưa được của họ để tránh mắc phải các sai lầm tương tự.
Nếu bạn dành thời gian để hiểu những khó khăn của khách hàng, lắng nghe vấn đề của họ, học ngôn ngữ của họ và tạo ra những nội dung giá trị làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn; bạn sẽ dễ dàng thu hút và phát triển những mối quan hệ sâu sắc với đối tượng khách hàng tiềm năng của mình.
Trong thực tế ngành marketing, những ý tưởng tưởng chừng như điên rồ và bị chỉ trích nhiều nhất lại có thể mang đến những thành công ngoài sức tưởng tượng. Bởi vậy, đừng ngại thử một điều gì đó thú vị, làm một điều gì đó khác biệt và khám phá các chiến lược mới để giúp hoạt động tiếp thị nội dung của bạn lên tới tầm cao mới.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022. *Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.