Tư duy phản biện (Critical thinking) là “tài sản quý giá” ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh.
Tư duy phản biện là quá trình tư duy biện chứng bao gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra; với mục đích nhằm làm sáng tỏ và khẳng định tính chính xác của vấn đề đó.
Lập luận khi tư duy phản biện cần phải rõ ràng, logic, tỉ mỉ và không xen lẫn cảm tính. Nghĩa là, ta sẽ chỉ tiếp nhận thông tin một cách tham khảo và có chọn lọc; đồng thời vận dụng tư duy để phân tích, đánh giá rõ ràng mọi khía cạnh của nó. Đây không phải là sự hoài nghi hay cố gắng đi ngược lại ý kiến của người khác vì mục đích cảm tính.
Tư duy phản biện cần thiết với tất cả mọi người và đặc biệt cần thiết với những nhà lãnh đạo. Bởi giữa hàng ngàn thông tin mà mình phải tiếp cận mỗi ngày, nhà lãnh đạo cần phải lựa chọn những điều chính xác nhất để đưa ra những quyết định đúng đắn cho doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, một nhà lãnh đạo giỏi cũng cần coi trọng các ý kiến phản biện của cấp dưới. Để tránh lãng phí một nguồn tài nguyên quan trọng giúp cho doanh nghiệp thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo và tránh khỏi những rủi ro không đáng có.
Vậy làm thế nào để phát triển tư duy phản biện, hãy cùng MBA Andrews tham khảo qua 7 lưu ý dưới đây:
1. Đừng chỉ nhìn vào những gì ở trước mắt
Bước đầu tiên để xây dựng tư duy phản biện là học cách đánh giá tất cả những gì bạn nghe, những gì bạn đọc và những gì bạn quyết định làm.
Thay vì làm một việc gì đó vì nó là những gì bạn đã luôn làm hay hoàn toàn chấp nhận những gì bạn nghe thấy là sự thật. Hãy dành thêm thời gian để tư duy, mổ xẻ và đặt ra những câu hỏi như: “Mặt đối lập của vấn đề này là gì? Những ưu và nhược điểm của việc này là gì? Ta có thể làm theo cách nào khác nữa?…”
Tất nhiên, đến cuối cùng bạn vẫn sẽ phải quyết định mình nên tin cái gì và làm gì. Nhưng nếu bạn thực sự đánh giá mọi thứ trên nhiều khía cạnh, bạn có thể sẽ đưa ra được những lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn.
2. Xem xét động cơ của vấn đề
Một nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho công ty của bạn vừa gọi điện để thuyết phục chuyển đổi sang một gói công nghệ mới thay cho gói công nghệ đang rất rẻ và cũ hiện tại. Họ đảm bảo rằng sự thay đổi này sẽ là một món hời với công ty bạn.
Nhưng tại sao họ phải làm thế? Liệu các công ty có theo đuổi khách hàng của họ chỉ vì quan tâm và muốn cung cấp những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng? Không phải thông thường thì họ chỉ muốn kiếm được nhiều tiền hơn hay sao?
Đây là cách mà bạn bắt đầu tư duy phản biện trong vấn đề này. Đặt ra câu hỏi về động cơ thật sự của nhà cung cấp và nhận ra những gì họ nói có vài điểm chưa hợp lý.
Biết được động cơ đến từ đâu là một phần quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của ta trong nhiều vấn đề. Mỗi hành động đều có động cơ của riêng nó. Đôi khi, giống như động cơ của nhà cung cấp giải pháp, khá dễ dàng để nhận ra ; đôi khi, nó khó phát hiện hơn nhiều. Hãy tìm ra động cơ thật sự của vấn đề để có thể quyết định cách hành động đúng đắn với vấn đề đó.
3. Chủ động nghiên cứu thông tin
Trong thời đại công nghệ ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận với những kho tri thức của hàng tỷ người chỉ bằng một cái chạm tay. Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển tư duy phản biện mà các thời đại trước không hề có.
Nếu bạn có một vấn đề cần giải quyết, quyết định đưa ra hoặc quan điểm đánh giá; hãy truy cập Google, tham khảo người có chuyên môn và thu thập mọi thông tin có thể. Bạn càng có nhiều thông tin, bạn càng có sự chuẩn bị tốt hơn để tư duy phản biện trên nhiều góc độ và đưa ra câu trả lời hợp lý cho vấn đề của mình.
4.Nghĩ xa hơn
Để rèn luyện tư duy phản biên, đừng chỉ nghĩ ngắn trong một hai bước. Hãy thử tư duy xa hơn nữa và nghĩ về những khả năng có thể xảy ra trong tương lai khi bạn giải quyết một vấn đề nào đó. Như cái cách mà bạn tưởng tượng mình đang đấu trí và phải dành chiến thắng trước một đại kiện tướng cờ vua có khả năng nghĩ trước vài chục nước đi cùng hàng trăm thế cờ.
Jeff Bezos – CEO của Amazon là người hiểu rất rõ ích lợi của việc tính trước các vấn đề trong tương lai. Ông chia sẻ với Tạp chí Wired vào năm 2011: “Nếu mọi thứ bạn làm đều hướng tới viễn cảnh trong 3 năm tiếp theo, bạn sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người. Nhưng nếu bạn sẵn sàng đầu tư vào viễn cảnh trong 7 năm tới, bạn chỉ phải cạnh tranh với một phần nhỏ trong số đó, bởi rất ít công ty dám đầu tư như vậy.” Dòng sản phẩm Kindle đã xuất hiện vào năm 2007 sau hơn 3 năm phát triển và hoàn thiện, vào thời điểm mà độc giả của sách điện tử gần như không tồn tại.
5. Đừng giả định là mình đúng
Những quan điểm cá nhân có thể mang tính chủ quan, thiên kiến và cảm tính. Tuy nhiên chúng ta thường có xu hướng bám lấy nó bởi cảm giác được “đúng” thật sự rất tuyệt vời.
Cứ như thế, ta rơi vào cuộc chiến với bản ngã mà ai cũng phải đối diện trong cuộc đời. Và cuối cùng chúng ta rồi sẽ đúc rút ra được kết luận chung rằng: Những giả định chủ quan rằng bản thân đúng thường sẽ đưa mình đi sai hướng khi ta phân tích rạch ròi bằng tư duy phản biện. Bởi nếu ta không tìm ra những quan điểm và góc nhìn đối lập, khác biệt; suy nghĩ về chúng và “thử lửa” quan điểm của mình bằng chúng, ta sẽ không thể hoàn thiện quan điểm của mình hay đưa ra quyết định đúng đắn cho vấn đề.
6. Chia nhỏ và phân tích vấn đề
Có thể nhìn ra được bức tranh tổng quan của vấn đề là điều tuyệt vời; nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nếu ta có thể phân tách và nhìn rõ từng phần cấu thành nên nó.
Nhiều khi các vấn đề quá lớn, quá khó khăn để giải quyết trọn vẹn cùng một lúc. Chúng ta có thể chia chúng thành các phần nhỏ hơn. Chia thành các phần càng nhỏ thì càng dễ dàng đánh giá chúng và tìm ra giải pháp.
Đây cũng là cách mà những nhà khoa học thường làm. Trước khi họ có thể tìm ra cách một hệ thống lớn như cơ thể chúng ta hay một hệ sinh thái hoạt động, họ phải tìm hiểu tất cả những bộ phận cấu thành nên hệ thống đó, cách chúng hoạt động và cách chúng liên quan tới nhau.
7. Giữ cho mọi việc đơn giản
“Những lời giải thích đơn giản nhất thường là lời giải thích xác đáng nhất”.
“Nếu không cần thiết đừng tăng thêm thực thể.”
“Điều gì có thể được giải thích bằng ít giả thuyết hơn thì không nên giải thích một cách vô ích bằng nhiều giả định hơn.”
Đây là những điều bản lề trong lý thuyết “con dao cạo của Ockham” thường được cộng đồng khoa học sử dụng để quyết định giả thuyết nào có khả năng là đúng nhất. Lý thuyết này có ý nghĩa là với mọi vấn đề, những lời giải thích đơn giản, phù hợp và rõ ràng sẽ luôn được ưu tiên là đúng nhất; ít nhất là cho đến khi nó được chứng minh là sai.
Mọi người đều có thể giải quyết được những phức tạp hơn, nhưng trước hết nên dùng “Dao cạo Occam” để biến những hiện tượng phức tạp thành hiện tượng giản đơn nhất, sau đó mới bắt tay vào giải quyết vấn đề.
Dao cạo Occam” là một con dao công bằng nhất, bất luận nhà khoa học hay là người bình thường, ai có dũng khí cầm lấy nó, người đó sẽ là người thành công. Sau khi rút chiếc “dao cạo” này ra khỏi vỏ, từng người từng người một, như: Newton, Albert Einstein… đều thành công “gọt” bỏ cái thừa của thực tế khách quan hoặc lý luận, để còn lại những kết luận khoa học tinh giản đến mức không thể tinh giản thêm.
Kết luận: Tư duy phản biện là không hề dễ dàng. Nó liên quan đến việc buông bỏ những gì chúng ta muốn tin và tiếp nhận một mớ thông tin mới. Nó khó chịu, nhưng cũng thú vị.
Khi bạn tìm kiếm, tư duy phản biện và cuối cùng đưa ra kết luận cuối cùng; bạn có thể sẽ ngạc nhiên với những gì mình phát hiện ra. Nó có thể không phải là những gì bạn đang mong đợi, nhưng nó ở gần với sự thật hơn.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.