Sự bùng phát nhanh chóng và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong hơn 3 tháng qua đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng cũng như tiêu thụ một số ngành hàng của người Việt. Các ngành hàng về sức khỏe, các nền tảng thương mại điện tử cùng các kênh mua sắm mới dự báo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau dịch COVID-19.

Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam kể từ khi ca nhiễm virus đầu tiên được công bố vào cuối tháng 1/2020. Ngoài sự suy giảm doanh thu trong ngành du lịch và dịch vụ, dịch bệnh này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại xuyên biên giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.

1. Đại dịch COVID-19 thay đổi đáng kể hành vi tiêu dùng của người Việt

Theo nghiên cứu của Kantar, hành vi của người tiêu dùng Việt đã có nhiều thay đổi trong thời gian bùng phát dịch bệnh cũng như giai đoạn sau khi dịch bệnh qua đi. Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng Việt đã hạn chế các hoạt động ra ngoài đến mức tối đa, hạn chế tụ tập nơi đông người. Thay vì đi mua sắm nhiều lần, họ sẽ có xu hướng dự trữ, mua sắm ít nhưng lượng hàng hóa sẽ gấp 2, gấp 3 lần so với trước đây. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán lẻ và doanh số hàng tiêu dùng nhanh trong ngắn hạn.

Dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi chung của người tiêu dùng Việt. Cụ thể, 47% người Việt Nam đã thay đổi thói quen ăn uống trong khi 60% trong số đó đã thay đổi các hoạt động giải trí/vui chơi. 70% người Việt đã xem xét lại kế hoạch du lịch của mình và 44% trong số đó cảm thấy nguồn thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng.

Theo khảo sát, 45% số người tham gia phỏng vấn cho rằng họ đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây. Những cửa hàng truyền thống bị tác động mạnh bởi việc cách ly xã hội do dịch COVI-19, với hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống. Điều này dễ lý giải bởi tâm lý lo lắng hoang mang của người dân trong bối cảnh số ca lây nhiễm ngày càng tăng và thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ việc giãn cách xã hội nên người dân có xu hướng tích trữ đồ ăn nhiều hơn.

Về mặt truyền thông, với tình trạng giãn cách xã hội khiến nhiều người phải ở nhà, dẫn đến thay đổi lớn trong xu hướng hành vi. Người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại trước màn hình TV, truyền hình cáp và các nguồn phương tiện truyền thông chính thống cung cấp thông tin đáng tin cậy. 40% người người Việt Nam nói rằng họ đã dành nhiều thời gian hơn để xem TV và 35% sử dụng thời gian để xem các nội dung trực tuyến vào thời điểm hiện tại.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng đang cắt giảm bớt chi tiêu ở các mặt hàng mang tính giải trí và có xu hướng mua trữ ba nhóm hàng hóa:

  • Nhóm các sản phẩm vệ sinh cá nhân và gia đình
  • Nhóm hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn
  • Nhóm sản phẩm bổ sung dưỡng chất và nâng cao hệ miễn dịch

Các loại đồ uống không cồn và có cồn đều bị ảnh hưởng và có mức giảm sâu trong mùa dịch.

Dịch COVID-19 không những tác động đến hành vi chung mà còn đến cả việc mua sắm và các kênh ăn uống ngoài.

2. Xu hướng mua sắm online – đi chợ online bùng nổ ấn tượng

Tình hình bùng phát của dịch bệnh đã và đang làm tăng mạnh mẽ số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi, không chỉ với những người đã và đang mua sắm online mà còn thu hút một lượng đáng kể người mua mới, những người trước đó vẫn còn e dè với mua sắm online hay đặt hàng qua ứng dụng.

Nielsen và Infocus Mekong Mobile Panel đã thực hiện cuộc khảo sát trên 500 người tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cho thấy 25% số người được hỏi đã tăng cường mua sắm online và giảm tần suất mua sắm trực tiếp tại siêu thị hay cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Ngoài ra, những dịch vụ “đi chợ hộ” cũng phát triển mạnh mẽ trong mùa dịch.

Đi chợ online giải pháp “cứu cánh” hữu hiệu nhất ở thời điểm này, chỉ với một cú click chuột hay vài thao tác chạm, có thể mua bất cứ loại thực phẩm và được giao ngay tại nhà. Tuy là hình thức không mới mẻ mà đã có từ nhiều năm trước nhưng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ trong thời gian này tăng đột biến khiến các siêu thị, cửa hàng như Vinmart, Big C, NowFresh, Co.opmart….đã nâng cấp và ra mắt các ứng dụng mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo khảo sát của Q and Me, có đến 77% người tiêu dùng hài lòng với các dịch vụ mua hàng trực tuyến, trong đó có 3 yếu tố quyết định hành vi mua hàng và sự hài lòng của người tiêu dùng là: 64% liên quan đến giá sản phẩm; 60% là tính đa dạng của sản phẩm; 52 % về thời gian giao hàng.

3. Tác động tích cực thay đổi hành vi con người từ COVID-19 

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài tác động tiêu cực đến sức khoẻ, đời sống văn hóa – xã hội,  COVID-19 cũng đã có những tác động tích cực đến việc đẩy nhanh các xu hướng mà trước đây tuy đã có nhưng chưa tạo được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng như :

  • Ý thức về chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng Việt được nâng cao.
  • Thị phần thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng nhanh được kỳ vọng sẽ tăng lên với nhiều tính năng tiện lợi dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, nhờ thu hút người mua mới chưa bao giờ mua sắm trực tuyến trước đó và gia tăng mức chi tiêu từ những người đã và đang mua hàng trực tuyến.
  • Từ việc mua sắm truyền thống, người mua hàng dần chuyển dịch sang mua sắm đa dạng kênh hơn.

COVID-19 đang ảnh hưởng sâu sắc đến thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng Việt Nam, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể tin những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi nhanh chóng. Sức tiêu thụ có thể quay trở lại sau khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp nên chú trọng đến các cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện lợi ngay cả khi ở nhà. Đồng thời, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch truyền thông, kênh truyền thông theo hướng số hóa, phát triển hoặc đẩy mạnh các nền tảng trực tuyến (Digital, O2O, Mạng xã hội) như là một trong những điểm tiếp cận người tiêu dùng quan trọng ở thời điểm hiện tại.

Nguồn: Vietnamcredit và Newdaymedia

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.