COVID-19 hiện đang làm tê liệt và điêu đứng nền kinh tế toàn cầu khi các nước thực hiện lệnh phong tỏa chống sự lây lan của dịch bệnh. Điều này như giáng “đòn chí mạng”  đối với các doanh nghiệp nhỏ, vậy chiến lược nào là hiệu quả để doanh nghiệp nhỏ “sống sót” vượt qua khủng hoảng mang tên COVID-19.

Dịch SARS năm 2003 được cho là dịch bệnh tồi tệ nhất xảy ra trong lịch sử nhân loại làm thiệt hại nền kinh tế thế giới ước tính khoảng 40 tỷ USD, tuy nhiên trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, các nhà kinh tế cho rằng COVID-19 có thể gây thiệt hại gấp ba hoặc bốn lần đại dịch SARS. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo dịch COVID-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,1-0,5%, tức còn khoảng 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Đối với Việt Nam, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực: hoạt động kinh doanh du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính – ngân hàng. Thu ngân sách Nhà nước cũng giảm sút, trong khi nhiệm vụ chi đột xuất cho chống dịch bệnh tăng lên. Theo ước tính của các cơ quan chức năng, dịch bệnh có thể làm giảm số thu ngân sách năm 2020 từ 18.000 đến 42.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương giảm thu khoảng 9.000 đến 23.000 tỷ đồng; làm giảm tăng trưởng 0,55-0,84% GDP.

Các doanh nghiệp nhỏ lao đao chống chọi với đại dịch bằng các biện pháp như cơ cấu lại bộ máy nhân sự, cắt giảm chi phí vận hành nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng “điêu đứng” khi chưa biết bao giờ đại dịch mới được kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đại dịch COVID-19 vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để doanh nghiệp kiểm tra lại sức khỏe của chính mình, đồng thời có những phản ứng nhanh để ứng phó với các biến động bất thường và khó lường của thị trường, đột phá doanh thu ngay trong mùa dịch và tạo được ấn tượng tốt đối với khách hàng.

Đối mặt với khủng hoảng, có hai kịch bản được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ không có free cash flow (dòng tiền tự do) đáng kể và phải chịu chi phí cố định lớn, đang lựa chọn phương án cầm cự duy trì để vượt qua mùa dịch. Cụ thể là thu nhỏ mô hình kinh doanh, tái cơ cấu lại bộ máy nhân sự, thắt chặt chi tiêu để lược bớt chi phí vận hành.

Anh Nguyễn Tuấn Việt – Giám đốc quản lý dự án cho những khách sạn, resort lớn tại Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ: “Nhiều chuỗi resort, khách sạn hiện đã phải cắt giảm nhân sự hàng loạt vì không có khách. Doanh nghiệp chỉ giữ lại bộ máy hành chính để vận hành cơ bản, còn những bộ phận như: sales, marketing, vận hành hầu hết đã phải cho nghỉ do doanh số sụt giảm quá nhiều”.

Theo chia sẻ từ chị Hoa Quỳnh – Operation Manager của một startup thời trang phân khúc trung cấp: “Doanh số ước tính đã sụt giảm hơn 50% so với những tháng trước khi có dịch. Công ty hiện cũng phải cắt giảm nhân sự, thắt chặt chi tiêu để vượt qua đợt dịch này”. 

Tuy nhiên, những doanh nghiệp và tập đoàn lớn không thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp thì chọn hướng đi khác: tận dụng thời gian này để cải thiện bộ máy, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm khách hàng chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Chị Thanh Mai – Project Manager tại Grapeseed Việt Nam – Công ty cung cấp dịch vụ giáo dục cho biết: “Dù doanh thu hiện tại đang gần bằng 0 do các trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội tạm thời đóng cửa, nhưng công ty vẫn giữ mức chi phí hàng tỷ đồng một tháng không đổi và tích cực chuẩn bị chờ ngày học sinh quay lại.” 

Nhiều khách sạn đăng ký là nơi cách ly tập trung có trả phí để hỗ trợ công cuộc phòng dịch của Nhà nước với nhân viên khách sạn sẽ phục vụ “vòng ngoài”, còn nhân viên y tế sẽ tiếp xúc trực tiếp với người cách ly.

Coca-Cola tạm dừng hoạt động quảng cáo và đóng góp ngân sách đó cho phòng chống dịch Covid-19. Hành động này mang lại hiệu ứng tốt, Coca-Cola đã ghi được điểm trong mắt người tiêu dùng. Oppo, Vingroup hay nhiều doanh nghiệp khác cũng hòa vào làn sóng quyên góp, ủng hộ giúp người dân Việt Nam vượt qua khó khăn và củng cố hình ảnh đẹp của thương hiệu.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ – Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, là những nhà làm kinh doanh, ông và các đối tác, đồng nghiệp gặp nhau ở quan điểm rằng luôn có cầu vồng trong cơn mưa. Dịch bệnh sẽ “ép” doanh nghiệp bộc lộ thực lực của mình. Những doanh nghiệp nào làm ăn theo kiểu chụp giật, dựa dẫm lợi ích nhóm, là sân sau của ai đó hay có nguồn sống từ các hoạt động không minh bạch, những ông chủ vay nợ vô tội vạ sẽ bị “lộ”. Đối với những doanh không có tiềm lực thực chất, sống dựa vào nguồn nuôi từ vốn vay và đảo nợ trong điều kiện khắt khe cũng bị phơi bày và thui chột. Đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi “cơn bão” Covid-19 qua, những doanh nghiệp hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi cũng nói với nhau, qua đại dịch, doanh nghiệp trụ lại sẽ có một đội ngũ nhân viên, đối tác và khách hàng trung thành, bởi ta đã cùng nhau gánh vác lúc khó khăn. Do vậy, dù có biết bao doanh nghiệp Việt khác đang vật lộn với khó khăn riêng nhưng không bi quan chán nản. Họ tin rằng nếu cùng nhau, chúng ta sẽ kéo cuộc sống trở lại bình thường, với sức bật mới”. Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin chia sẻ.