Năm 2019 khép lại với những kết quả ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được coi là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế vượt bậc năm 2020.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2019

Năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP khả quan, đạt 7,02%, lần thứ hai liên tiếp, cả 12/12 chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã được nâng lên 266 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.800 USD/năm. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng này vẫn là hai khu vực công nghiệp và xây dựng (50,4%) và khu vực dịch vụ (45%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng có sự khác biệt so với năm trước, đó là chứng kiến mức tăng nhẹ của ngành khai khoáng (tăng 1,29%) sau 3 năm liên tiếp sụt giảm. Đối với ngành nông – lâm – thủy sản, tăng trưởng tuy thấp từ quý I do chịu ảnh hưởng xấu từ bệnh dịch và thời tiết, nhưng ngành thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng ấn tượng trên 6%.

Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, theo đó tăng trưởng GDP đạt 6,8%; CPI bình quân dưới 4%. Đây là một con số hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn. Mục tiêu này được đưa ra vừa bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo nhóm nghiên cứu của VEPR, những mục tiêu của năm 2020 có thể đạt được. “Dự báo quý I/2020 tăng trưởng kinh tế 6,33%; quý II đạt 6,27%; quý III đạt 6,58%; quý IV đạt 6,64% và cả năm sẽ đạt 6,48%” – PGS. TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR dự báo.

Nếu nhìn vào bức tranh tăng trưởng từ năm 2017 trở lại đây, dễ dàng nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Tức là kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực.

“Đó là tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu. Những hiện tượng trên là khác biệt rất tích cực, nhưng đã diễn ra lặp đi lặp lại trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2017 đến năm 2019) nên dường như đã tạo cảm giác đó là những việc hiển nhiên, bình thường. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020” – ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Năm 2020, bước chuyển mình đầy “thận trọng” trong quan hệ thương mại quốc tế

Trong năm 2019, Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Nhưng cùng với lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – lưu ý, Ngân hàng Nhà nước cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Việc hạ thấp giá trị của VND để tăng cường thương mại sẽ là điều không nên làm trong thời điểm này.

Ngoài ra, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, trong khi đó, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc và Mỹ cần rất thận trọng. Việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là 1 trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020” – ông Nguyễn Đức Thành lưu ý.

Để tận dụng được những cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và các hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước. Đặc biệt, cải cách thể chế về kinh tế số; mô hình kinh doanh mới…

Đồng thuận chung của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tiềm ần, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục sáng hơn và tăng trưởng khả quan trong năm 2020.

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.