Kỹ thuật Feynman là một phương pháp học tập nổi tiếng giúp chúng ta nhanh chóng ghi nhớ và thật sự hiểu những gì đã học, nó bao gồm 4 bước.

Nguồn gốc của kỹ thuật Feynman?

Richard Feynman là nhà khoa học đã từng đoạt giải Nobel Vật lý vào năm 1965. Không chỉ nổi tiếng là một khoa học gia lỗi lạc với những nghiên cứu đột phá trong điện động lực học lượng tử và vật lý hạt, ông còn là một cá nhân xuất sắc trong khả năng tổng hợp và giải thích những lý thuyết phức tạp bằng ngôn ngữ đơn giản. Trong quá trình học tập và nghiên cứu của mình, ông đã sáng tạo ra Kỹ thuật Feynman để có thể nhanh chóng ghi nhớ, hoàn toàn hiểu và sử dụng những kiến thức mình đã tiếp thu.

Dựa vào kỹ thuật Feynman, bạn cũng có biến một lý thuyết phức tạp trở nên đơn giản theo cách riêng của mình để chia sẻ với người khác mà không làm ảnh hưởng đến khái niệm cốt lõi.

Kỹ thuật Feynman bao gồm 4 bước:

  1. Chọn một khái niệm và tìm hiểu về nó.
  2. Giả vờ như đang (hoặc thực sự) dạy nó cho một đứa trẻ.
  3. Xem lại những lỗ hổng trong hiểu biết của mình và tiếp tục nghiên cứu.
  4. Tinh chỉnh, hệ thống lại kiến thức và hoàn thiện bài giảng ở bước 2.

Hãy cùng đi vào chi tiết hơn.

Bước # 1: Chọn một khái niệm và tìm hiểu về nó

Quá trình tự học bắt đầu bằng việc chọn ra một khái niệm mà bạn đang quan tâm rồi đặt bút vào tờ giấy trắng rồi viết ra tất cả những gì mà bạn biết về chủ đề đó. Trên tờ giấy trắng của bạn có thể là một bài luận tổng quan dài vài nghìn chữ, hoặc cũng có thể chỉ là một vài gạch đầu dòng. Hãy lưu ý rằng không có quy tắc nào ở đây cả, việc viết ra chỉ đơn giản là cách để ghi lại kiến ​​thức những kiến thức mà bạn hiện có.

Tuy nhiên, bạn càng viết và trình bày một cách cụ thể và đơn giản thì việc học sẽ càng hiệu quả hơn. Sau khi hoàn thành việc viết ra những gì mình đã biết, hãy dựa vào đó để nghiên cứu, phát triển và bổ sung thêm những thông tin còn thiếu vào bản ghi chú viết tay này.

Bước # 2: Giả vờ như đang (hoặc thực sự) dạy nó cho một đứa trẻ.

Khi bạn đã tự tin với những gì mình biết về những kiến thức mà mình tìm hiểu được ở bước 1, đã đến lúc đóng vai giáo viên.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang giải thích khái niệm lý thuyết này cho một đứa trẻ 12 tuổi. Bạn có thể làm điều này bằng cách giả vờ (tưởng tượng như có một học sinh đang ở trước mặt) hoặc thực sự dạy điều đó cho một đứa trẻ (hoặc một người lớn). Bạn có thể sử dụng bảng trắng, nói chuyện với giọng hài hước… hay bất cứ điều gì làm bạn cảm thấy như mình thực sự đang truyền đạt những kiến thức mà mình đã biết cho một ai đó.

Khi thành công trong việc tìm hiểu thông tin và viết ra tương đối đầy đủ từ tổng quan đến những góc cạnh của một khái niệm lý thuyết trên giấy, chúng ta có thể dễ dàng tự cho rằng mình đã thật sự hiểu nó. Tuy nhiên, khi thực sự bắt tay vào việc cố gắng để đơn giản hóa và chia sẻ những gì mình biết cho người khác, chúng ta có thể sẽ thấy những khoảng hổng trong sự hiểu biết của mình.

Mục đích của Bước 2 là khuyến khích việc đơn giản hóa sự phức tạp và tìm ra những khoảng hổng kiến thức này. Và ngay khi chúng xuất hiện, bạn nên đánh dấu chúng để sẵn sàng cho Bước 3.

Bước # 3: Xem lại những lỗ hổng trong hiểu biết của mình và tiếp tục nghiên cứu.

Sau khi đã đóng vai một nhà giáo và hoàn thành bài giảng của mình, bạn cần xem lại những lỗ hổng đã được xác định trong quá trình giảng dạy. Sau đó, hãy quay lại công việc tìm hiểu, đọc lại thông tin mà bạn chưa hiểu rõ và nâng cao kiến ​​thức chuyên sâu để lấp những khoảng trống kiến thức.

Đừng quá mong đợi rằng bạn sẽ nắm vững một khái niệm lý thuyết ngay từ lần thứ hai rà soát và bổ sung thông tin. Đối với những chủ đề phức tạp, bạn có thể sẽ cần lặp lại các bước trong kỹ thuật Feynman nhiều lần. Bởi mỗi lần giảng dạy thì bạn lại có thể sẽ lại tìm ra những điểm mù hay những lỗ hổng mới.

Bước # 4: Tinh chỉnh, hệ thống lại kiến thức và hoàn thiện bài giảng ở bước 2.

Mục tiêu cuối cùng của kỹ thuật Feynman là có được sự hiểu biết sâu sắc về khái niệm lý thuyết mà bạn đã tìm hiểu cũng như có thể giải thích chủ đề đó một cách đơn giản nhất để người người khác dễ dàng nắm bắt.

Tất nhiên, để đạt được điều này, chúng ta cần tập hợp mọi thứ mà mình đã thu thập được ở các Bước 1, 2 và 3, rồi tinh chỉnh và hệ thống nó.

Sau đó, hãy tiếp tục suy nghĩ về cách mà bạn có thể chia sẻ khái niệm lý thuyết này cho một đứa trẻ bằng một bài giảng đơn giản nhất và hấp dẫn nhất.

  • Làm đơn giản khái niệm lý thuyết là tốt, nhưng lồng ghép chúng vào trong những câu chuyện đơn giản và dễ nhớ thì còn tốt hơn. Những câu chuyện này làm cho các khái niệm có thể lắng đọng sâu hơn trong trí nhớ của chúng ta. Chúng cũng làm cho những kiến thức phức tạp và khô khan trở nên dễ dàng tiếp thu hơn đối với người bình thường.
  • Sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, đơn giản. Hãy nhớ rằng, bạn đang chia sẻ kiến thức cho một đứa trẻ. Vậy nên, hãy cố gắng cắt bỏ tối đa các biệt ngữ và đi thẳng đến nội dung chính. Đừng quên sử dụng các ví dụ liên quan và phép loại suy.
  • Sử dụng hình ảnh và các phương pháp tương tác đa giác quan. Càng có nhiều giác quan tham gia vào công việc nghiên cứu và giải thích các khái niệm lý thuyết, bạn càng có nhiều khả năng học và dạy nó một cách hiệu quả.

Sau khi đã chuẩn bị xong một bài giảng hoàn chỉnh và thu hút, hãy lặp lại Bước 2 và bạn sẽ thấy ngạc nhiên về sự cải thiện trong kiến thức của mình.

Kết

Mặc dù việc học tập kiến thức mới bằng cách ghi nhớ thuộc lòng cũng có thể làm cho chúng ta hiểu một khái niệm lý thuyết, nhưng nó sẽ không thể giúp chúng ta nhanh chóng hiểu sâu và áp dụng hiệu quả những khái niệm lý thuyết này.

Việc đặt mình vào nhiệm vụ chia sẻ kiến thức cho một ai đó sẽ buộc chúng ta phải tự hệ thống hóa và tự đặt ra những câu hỏi về khái niệm lý thuyết. Nó đánh thẳng vào những lỗ hổng kiến thức và buộc chúng ta phải tinh chỉnh và hoàn thiện sự hiểu biết của mình đến mức tốt nhất có thể.

Bởi vậy, khi bạn muốn học một điều gì đó mới trong lần tới, hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn ghi nhớ nó hay thực sự hiểu nó. Nếu bạn muốn thực sự hiểu nó, bạn sẽ phải học cách để có thể chia sẻ được nó với người khác.

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.