Đặt ra giới hạn ngân sách và các mốc quan trọng là tư duy đúng đắn, nhưng sẽ là chưa đủ nếu bạn chưa có một một kế hoạch đầu tư thực tế và cục thể hơn để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.
Warren Buffett đã từng nói rằng “Một kẻ ngốc với kế hoạch trong tay có thể đánh bại một thiên tài mà không có sự chuẩn bị,” và điều này đặc biệt đúng trong đầu tư.
Vậy làm sao để tạo ra một bản kế hoạch đầu tư? Hãy cùng Andrews The Power MBA đến với 5 bước đơn giản để bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch đầu tư và thiết lập cho mình một tương lai an toàn về tài chính.
Bước 1: Tự đánh giá tình hình tài chính.
Trước khi bắt đầu tham gia vào hoạt động đầu tư, bạn cần tự đánh giá tình hình tài chính của mình. Hãy liệt kê những khoản nợ bạn đang có và những tài sản mà bạn đang sở hữu. Những tài sản có thể bao gồm:
- Tiền tiết kiệm
- Quỹ dự phòng khẩn cấp
- Các khoản đầu tư khác
- Mức thu nhập hàng tháng
Việc hiểu rõ tình hình tài chính của mình sẽ giúp bạn biết rằng bạn nên đầu tư bao nhiêu tiền và đầu tư ở đâu để có thể đảm bảo an toàn về tài chính.
Bước 2: Đặt ra mục tiêu tài chính của bạn
Tiếp theo, hãy viết ra các mục tiêu tài chính của bạn. Đối với mỗi mục tiêu, hãy bao gồm số tiền bạn muốn và thời gian bạn phải đạt được mục tiêu đó. Ví dụ: có đủ tiền để tận hưởng một kỳ nghỉ trị giá 10.000 đô la trong một năm hoặc có được 500.000 đô la trước khi nghỉ hưu.
Sau đó, chia mục tiêu của bạn thành:
ngắn hạn (0 đến 2 năm)
trung hạn (3 đến 5 năm)
dài hạn (5 năm trở lên)
Việc đặt và xác định các mục tiêu tài chính sẽ giúp bạn chọn được khoản đầu tư phù hợp để đạt được từng mục tiêu.
Bước 3: Hiểu về những rủi ro trong đầu tư
Rủi ro đầu tư là khả năng bạn sẽ mất một số hoặc tất cả số tiền bạn đã đầu tư. Điều này có thể là do khoản đầu tư của bạn giảm giá trị hoặc không hoạt động như mong đợi. Tất cả các hoạt đầu tư đều mang rủi ro- một số hoạt động mang rủi ro cao hơn những hoạt động khác.
Những rủi ro thường thấy có thể ảnh hưởng đến giá trị khoản đầu tư của bạn bao gồm:
Rủi ro lãi suất:
Sự thay đổi lãi suất làm giảm lợi nhuận của bạn hoặc khiến bạn mất tiền. Đây là rủi ro chính đối với các khoản đầu tư có lãi suất cố định.
Rủi ro thị trường:
Một khoản đầu tư có thể bị giảm giá trị do những thay đổi kinh tế hoặc các sự kiện khác làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Rủi ro ngành:
Một khoản đầu tư có thể bị giảm giá trị do các sự kiện ảnh hưởng đến một lĩnh vực ngành cụ thể
Rủi ro tiền tệ:
Những biến động tiền tệ có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư của bạn. Đây là một rủi ro chính đối với các khoản đầu tư ra nước ngoài hoặc các khoản đầu tư có ngoại tệ.
Rủi ro thanh khoản:
Bạn không thể bán khoản đầu tư của mình và nhận tiền khi cần mà không ảnh hưởng đến giá trị của nó trên thị trường.
Rủi ro tín dụng:
Một công ty hoặc chính phủ hay cá nhân mà bạn cho vay sẽ không thể trả được nợ.
Rủi ro tập trung:
Nếu các khoản đầu tư của bạn không đa dạng, một khoản đầu tư có hiệu suất có thể gây ảnh hưởng lớn đến danh mục đầu tư của bạn.
Rủi ro lạm phát:
Giá trị các khoản đầu tư của bạn không theo kịp tốc độ lạm phát.
Rủi ro về thời gian
Thời điểm đưa ra quyết định đầu tư khiến bạn có thể bị giảm lợi nhuận hoặc mất vốn.
Rủi ro khi vay vốn:
Sử dụng tiền đi vay để đầu tư có thể làm tăng khả năng thua lỗ của bạn. Các khoản đầu tư của bạn có thể giảm giá trị nhưng bạn vẫn phải trả số tiền vay và lãi vay của mình.
Rủi ro và lợi nhuận
Theo nguyên tắc chung, lợi tức đầu tư kỳ vọng càng cao thì rủi ro đầu tư càng cao. Lợi tức kỳ vọng càng thấp thì rủi ro càng thấp. Rủi ro thấp hơn có nghĩa là lợi nhuận ổn định hơn và khả năng bạn bị mất tiền thấp hơn.
Ví dụ, trái phiếu chính phủ là một khoản đầu tư có rủi ro thấp. Nó trả lãi đều và giá trị của khoản đầu tư không thay đổi quá nhiều trong ngắn hạn. Cổ phiếu là một khoản đầu tư có rủi ro cao hơn. Giá trị của một cổ phiếu có thể biến động lên xuống rất nhiều trong một khoảng thời gian ngắn.
Điều cần nhớ: Sự kết hợp giữa lợi nhuận cao và rủi ro thấp không tồn tại.
Biết về mức độ chấp nhận rủi ro của bạn
Khả năng chấp nhận rủi ro của bạn phụ thuộc vào khả năng đối phó với sự sụt giảm giá trị khoản đầu tư của bạn. Tuổi tác, khả năng phục hồi sau tổn thất tài chính, mục tiêu tài chính hay sức khỏe thể chất của bạn là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.
Hãy tự hỏi bản thân: Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ngày mai thức dậy và thấy giá trị các khoản đầu tư của mình đã giảm 20%?
Nếu sự sụt giảm này khiến bạn lo lắng thì các khoản đầu tư rủi ro cao không dành cho bạn. Mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư là khác nhau. Và đối với các mục tiêu tài chính khác nhau có khung thời gian đầu tư khác nhau, bạn có thể chấp nhận các mức độ rủi ro khác nhau.
Điều quan trọng là phải hiểu khả năng chấp nhận rủi ro của bạn và tìm ra các khoản đầu tư phù hợp với nó.
Bước 4: Nghiên cứu các lựa chọn đầu tư của bạn
Để tìm được các khoản đầu tư phù hợp, bạn cần suy nghĩ về:
- Lợi tức – lợi tức đầu tư kỳ vọng là bao nhiêu? Nó đến từ thu nhập hay tăng trưởng vốn?
- Khung thời gian – bạn cần đầu tư trong bao lâu để thu được lợi nhuận như mong đợi?
- Rủi ro – khoản đầu tư bao gồm những loại rủi ro nào? Bạn có thoải mái để chấp nhận những rủi ro này không?
- Tính thanh khoản – Mất bao lâu để có thể bán khoản đầu tư để lấy tiền mặt?
- Chi phí mua và bán – chi phí mua và bán khoản đầu tư là bao nhiêu?
- Thuế – bạn sẽ phải trả bao nhiêu thuế đối với thu nhập từ khoản đầu tư?
Điều cần nhớ: Đảm bảo lợi nhuận mong đợi là thực tế. Nếu lợi nhuận trông quá tốt so với sự thật, đó có thể là một trò lừa đảo đầu tư.
Bước 5: Xây dựng danh mục đầu tư của bạn
Cách bạn cấu trúc danh mục đầu tư của mình sẽ phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, khung thời gian đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro.
Đối với những mục tiêu ngắn hạn, các lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp sẽ tốt hơn. Hãy xem xét các khoản đầu tư như: tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, tiền gửi có kỳ hạn hoặc trái phiếu chính phủ. Những khoản đầu tư này có rủi ro thấp hơn vì chúng ít có khả năng giảm giá trị và bạn luôn có thể lấy lại tiền của mình.
Đối với những mục tiêu dài hạn, các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn như cổ phiếu hay bất động sản có thể tốt hơn. Những khoản đầu tư này có rủi ro cao hơn nhưng bạn đang đầu tư dài hạn, bởi vậy bạn có thể không quan tâm đến những sự sụt giảm giá trị ngắn hạn nào.
Điều quan trọng là bạn cần đảm bảo mình có thể đa dạng hóa các danh mục đầu tư. Điều này giúp bảo vệ bạn tránh khỏi việc bị mất quá nhiều nếu giá trị của một khoản đầu tư giảm xuống.
Nếu bạn chưa có nhiều kiến thức và cần trợ giúp về đầu tư, các cố vấn tài chính có thể giúp bạn xác định khả năng chấp nhận rủi ro, đặt mục tiêu và lựa chọn các khoản đầu tư phù hợp.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022. *Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.