Cảm xúc của con người là một trong những điều mạnh mẽ nhất từng tồn tại. Cảm xúc châm ngòi chiến tranh và tạo ra hòa bình; mở đầu cho tình yêu và buộc nó phải kết thúc. Song hành cùng lý trí, cảm xúc định hướng và thúc đẩy chúng ta hành động. Những hành động này có thể rất tuyệt vời, nhưng cũng có thể rất tệ hại.

Trí tuệ cảm xúc (Emotional Quotient hay EQ) vẫn được coi là một khái niệm tương đối mới, nhưng tác động của nó đối với cách chúng ta làm việc sẽ rất quan trọng trong tương lai. Bài báo học thuật đầu tiên về trí tuệ cảm xúc đã xuất hiện vào năm 1990. Tuy nhiên chủ đề này không được biết đến rộng rãi cho đến khi cuốn sách Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ. của Daniel Goleman, được xuất bản vào năm 1995.

Trí tuệ cảm xúc là khả năng xác định và quản lý cảm xúc cá nhân của chính bản thân và cảm xúc của người khác. Biết được mình cảm thấy thế nào trong một tình huống nhất định sẽ giúp bạn đánh giá cảm giác của người khác trong một điều tương tự. Từ đó tạo nền tảng cho các tương tác xã hội phù hợp và gợi lên phản ứng tích cực từ người khác.

Những người sở hữu chỉ số EQ cao đồng nghĩa với việc họ có năng khiếu về những kỹ năng như: giải quyết xung đột, truyền đạt thông tin, dạy học, sáng tạo, quản lý đội ngũ…

Sự cần thiết của EQ trong môi trường công việc

Tỷ lệ cô đơn, trầm cảm và các lo ngại về sức khỏe tâm thần đang ngày càng tăng đòi hỏi các công ty và các nhà lãnh đạo phải sử dụng tốt trí tuệ cảm xúc để thu hút, tái tạo động lực cho mọi người trong công việc và cuộc sống.
Theo nghiên cứu của Google, để một đội ngũ hoạt động hiệu quả cao, người lãnh đạo cần làm cho họ:

  1. Được kết nối với môi trường xã hội xung quanh.
  2. Ở trong môi trường mà tiếng nói của mỗi người đều bình đẳng.
  3. Cảm thấy an toàn khi thể hiện bản thân mà không sợ những hậu quả tiêu cực.

Mọi người đều sẽ cảm thấy được quan tâm khi ba điều này được đáp ứng tại môi trường làm việc của mình. Họ cũng đáp lại bằng sự trung thành, gắn bó và làm việc năng suất hơn.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê, những nhân viên cảm thấy được tổ chức của họ quan tâm sẽ:

• Khả năng giới thiệu công ty của họ là một nơi tuyệt vời để làm việc cao gấp 10 lần.
• Khả năng ở lại công ty của họ trong ba năm cao hơn gấp 9 lần.
• Có khả năng cảm thấy được hòa nhập vào công việc cao hơn gấp 7 lần.
• Giảm 4 lần khả năng bị căng thẳng và kiệt sức.

1. Nhu cầu của con người.

Ba nhu cầu cốt lõi của con người trong công việc (và cuộc sống) là tồn tại, thuộc về và trở thành. Giống như Hệ thống phân cấp nhu cầu của Maslow, một khi con người được đáp ứng nhu cầu về thức ăn, nước uống và nơi ở thì họ sẽ mong muốn được kết nối, tôn trọng, và cuối cùng là học hỏi&phát triển để trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

Khi thế giới phát triển ngày càng hiện đại, các nhu cầu về sinh tồn dần được đáp ứng đầy đủ khiến cho lực lượng lao động chuyển sự chú ý của họ sang những cấp nhu cầu tiếp theo, đó là kết nối và tôn trọng. Các nhà lãnh đạo có trí thông minh về cảm xúc sẽ hiểu và tận dụng tốt những điều này.

2. Sự phát triển của công nghệ sẽ nâng cao tính nhân văn

Cuộc Cách mạng Công nghiệp đòi hỏi những người lao động mạnh mẽ. Thời đại Thông tin đòi hỏi những người lao động có kiến thức. Thời đại công việc trong tương lai sẽ đòi hỏi những người lao động có trí thông minh về cảm xúc.

Khi thế giới tràn ngập công nghệ phức tạp hơn như trí tuệ nhân tạo và 5G, các kỹ năng của con người như lòng trắc ẩn và sự đồng cảm cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh của người lao động và toàn bộ tổ chức.

Ngoài ra, khi công nghệ tiến bộ, nó sẽ đảm nhận rất nhiều công việc mà con người không giỏi, không thích hoặc quá nguy hiểm. Điều này sẽ khiến chúng ta có nhiều thời gian và khả năng để thể hiện tình cảm với nhau hơn.

Ví dụ, nếu trí tuệ nhân tạo có thể chẩn đoán bệnh với độ chính xác cao hơn bác sĩ, bác sĩ sẽ có nhiều thời gian để cung cấp cho bệnh nhân các yếu tố cần thiết khác như sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Hoặc nếu robot có thể làm ra sản phẩm/dịch vụ chính xác và hiệu quả hơn con người, thì nhiệm vụ của con người lúc này sẽ là thể hiện sự tận tình bằng cách giữ cửa cho khách hàng hay trò chuyện tương tác để gia tăng thiện cảm của họ.

3. Sự hòa quyện giữa công việc và cuộc sống

Có một lầm tưởng phổ biến tồn tại rằng cảm xúc không thuộc về nơi làm việc và điều này thường khiến chúng ta thường nhầm lẫn đánh đồng sự chuyên nghiệp với khắc kỷ hoặc lạnh lùng.

Ranh giới giữa công việc và cuộc sống sẽ tiếp tục mờ nhạt. Mọi người đang mang nhiều công việc về nhà hơn, và cuộc sống cá nhân cũng tràn vào môi trường làm việc nhiều hơn. Dù cho có cố gắng hết sức, chúng ta vẫn không thể bỏ mặc nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn và sự phấn khích trước cửa văn phòng. Cảm xúc luôn đi cùng chúng ta.

4. Phát triển mối quan hệ giữa lãnh đạo – nhân viên

Trong quá khứ, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ mang tính giao dịch. Đi làm, chấm công và nhận lương mỗi tháng. Nhưng trong nền văn hóa làm việc được hướng tới ngày nay, ranh giới của mối quan hệ giữa nhân viên và người lãnh đạo ngày càng được mở rộng. Với sự thật rằng công việc là hoạt động mọi người dành nhiều thời gian nhất (sau việc ngủ), các nhân viên đang mong đợi nhiều hơn từ nơi làm việc.

Ngày càng có nhiều người sử dụng lao động tập trung vào khai thác các khía cạnh cảm xúc trong cuộc sống của nhân viên. Ví dụ: Hilton cung cấp một chương trình hỗ trợ nhận con nuôi sẽ hoàn trả cho các nhân viên của mình chi phí nhận con nuôi lên đến 10.000 đô la cho mỗi đứa trẻ, không giới hạn số lần nhận con nuôi. Facebook cung cấp cho nhân viên tới 20 ngày nghỉ phép khi một thành viên trong gia đình họ qua đời.

5. Thế hệ Z yêu cầu

Các công ty đang vật lộn để thích ứng với nhu cầu cảm xúc đang phát triển của lực lượng lao động mới. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ, hiện nay thế hệ trẻ từ 18 đến 25 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng cao hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác. Ngoài ra, Gen Z cũng là thế hệ cô độc nhất ở nơi làm việc với 73% được khảo sát chia sẻ rằng họ đôi khi hoặc luôn cảm thấy đơn độc.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác, Thế hệ Z luôn muốn người lãnh đạo của họ phải có sự đồng cảm. Nếu tuổi trẻ là tương lai, và thế hệ Z luôn cô đơn và căng thẳng về tâm lý thì thì trí tuệ cảm xúc sẽ là một yếu tố đặc biệt cần thiết trong môi trường công việc tương lai.

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.