Đối mặt với việc ra quyết định là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người ở cả trong cuộc sống lẫn công việc. Và nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng hơn đối với những nhà lãnh đạo vì đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có nhận thức vấn đề đúng đắn cũng như khả năng ra quyết định mang tính tối ưu nhất. Vậy làm thế nào để nhận biết những sai lầm trong nhận thức trong ra quyết định?
Câu trả lời đã được thảo luận và chia sẻ trong buổi học trực tuyến “Judgment and Decision Making” do chương trình MBA Andrews tổ chức ngày 26/04 vừa qua. Buổi hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chia sẻ tri thức Quản trị kinh doanh ” Gieo tri thức – Gặt thành công – Sẻ chia cộng động “ của MBA Andrews – Hoa Kỳ. Với sự góp mặt của Dr. Anthony R.S – Giảng viên chương trình MBA Đại học Andrews Hoa Kỳ, bức tranh tổng thể về quy trình và định hướng để tối ưu hóa giá trị của các quyết định đã được vén màn.
Theo thống kê trong tai nạn hàng không, 80% tai nạn hàng không đa phần đều do lỗi của con người gây nên. Cụ thể ở đây đa phần là lỗi của các phi công, bao gồm cả các phi công đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nguyên nhân sâu xa của các sai lầm này đa phần xuất phát từ cách nhận định sự việc và ra quyết định. Ví dụ điển hình là sự cố rơi máy bay Boeing 777 tại San Francisco ngay trước khi chiếc máy bay này chuẩn bị hạ cánh đã được thầy Anthony nhắc tới trong buổi học. Trong khía cạnh quản trị, vấn đề nhận định vấn đề cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra quyết định của một nhà lãnh đạo.

Nhận thức vấn đề ảnh hưởng như thế nào đến ra quyết định?
Đối với các vấn đề quen thuộc chúng ta thường dùng nhận định cũng như thói quen trong quá khứ theo một khuôn mẫu đã xảy ra để đưa ra giải pháp cho vấn đề đó. Nhưng tư duy lối mòn đó đôi khi không phải là một phương pháp đúng đắn cho thời điểm hiện tại. Cách thức đưa ra giải pháp như trên đã sử dụng “Intuition” – Trực giác là sự kết hợp giữa nhận thức của một người với trải nghiệm trong quá khứ và cảm xúc trong hiện tại khi ra quyết định. Ngược lại khi chúng ta gặp phải một vấn đề hóc búa hoặc chưa từng diễn ra trong quá khứ, ngay lập tức việc nhận định vấn đề trở nên khó khăn và phải tốn rất nhiều thời gian, chi phí cho việc đưa ra một giải pháp nhưng chưa chắc chắn về hệ quả.
Sự tự tin thái quá trong quá trình ra quyết định cũng là một trong những sai lầm lớn của một nhà quản trị. Ba vấn đề thường gặp nhất ở đây chính là bạn luôn cho rằng nhận định của mình là đúng, bạn tự đánh giá quá cao khả năng của bản thân và luôn thấy người khác không thể ra quyết định tốt hơn bạn.
Nếu bạn đóng vai trò là một nhà lãnh đạo hay đứng đầu trong một tổ chức thì bạn nên dành thời gian để lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh trước khi đưa ra ý kiến của mình. Bởi vì mọi nhận định của bạn khi đưa ra vào lúc đầu đều có có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như định hướng của mọi người trong tương lai. Và đôi khi chính nhận định đó kéo cả tổ chức đi xuống cùng những sai lầm.

Cách khắc phục nào về nhận thức vấn đề để có những quyết định tối ưu hơn?
Sự khác biệt về nhận thức của con người được hình thành dựa trên môi trường sống, kiến thức và trải nghiệm trong quá khứ của từng cá nhân. Sự khác biệt này là không thể tránh khỏi và rất khó thay đổi tuy nhiên chúng ta có thể tự khắc phục bằng cách: hãy luôn nhìn nhận rõ sự tồn tại của những sai lầm trong nhận thức của chính chúng ta, sau khi nhìn nhận được chúng ta cần rèn luyện kiên trì để mỗi khi tiếp nhận một luồng thông tin mới chúng ta có thể phân tích được những mặt sai lầm trong một nhận thức mới. Việc rèn luyện này tạo cho các nhà quản trị một tư duy phản biện rất tốt góp phần cải thiện những sai lầm trong ra quyết định trong tương lai.
“Khi một người ra quyết định thường có xu hướng mang lại lợi ích cho bản thân của họ. Vì vậy khi đối diện với một quyết định từ một người khác chúng ta nên tự đặt ra câu hỏi: Quyết định này có lợi cho ai? Người ra quyết định sẽ được hưởng lợi gì từ việc quyết định này? Người ra quyết định có gặp phải sai lầm nào khi lựa chọn giải pháp này không? Khi tự đặt được những câu hỏi như vậy sẽ giúp chính bạn và người đối diện tránh được những sai lầm không mong muốn từ việc ra quyết định.” – Dr. Anthony chia sẻ