Hãy cùng MBA Andrews đến với phần tiếp theo của 100 thuật ngữ thông dụng về Tiếp thị và Bán hàng mà bạn nên biết (Phần 1) để hiểu rõ hơn về các khái niệm và thuật ngữ cơ bản trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng. 

51. Hashtag

Hashtag là một từ hoặc một chuỗi các kí tự viết liền nhau được đặt sau dấu thăng (#) mà mọi người sử dụng trên mạng xã hội. Hashtag sẽ giúp cho nội dung các bài đăng của bạn dễ dàng tới được với những người có chung mối quan tâm, thậm chí họ không theo dõi hay là người đã thích trang của bạn.

Vì dụ, bạn là một fan của Apple và bạn đang có ý định mua một chiếc iPhone 12, khi bạn đánh từ khóa “#iPhone12” trên thanh tìm kiếm ở bất kì mạng xã hội nào cũng sẽ mở ra một nguồn thông tin chuyên dụng liên quan tới tất cả những cập nhật mới nhất của iPhone 12, khuyến mại, bàn luận hay những cách sử dụng…

52. Hồ sơ khách hàng lý tưởng (Ideal Customer Profile – ICP)

Ideal Customer Profile (ICP) là bảng mô tả tóm tắt về những khách hàng mà bạn mong muốn có được. Đây là những đối tượng mà doanh nghiệp tin rằng có thể đáp ứng tốt nhu cầu của họ bằng các sản phẩm/dịch vụ.

53. Inbound Marketing

Inbound Marketing là một phương thức tiếp cận khách hàng dựa trên nội dung và sự tương tác mang lại giá trị hữu ích cho khách hàng – về những vấn đề mà họ đang cần giải quyết có liên quan đến sản phẩm của bạn. Trong Inbound Marketing khách hàng tiềm năng sẽ là người chủ động tìm kiếm bạn thông qua các kênh như blogs, các công cụ tìm kiếm và các mạng xã hội.”

Một cách dễ hiểu thì nó chính là việc bạn giúp khách hàng giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải. Từ đó bạn tiếp cận được khách hàng tiềm năng, khiến họ tin tưởng vào thương hiệu và cuối cùng biến họ thành người mua.

54. Đồ họa thông tin (Infographic)

Infographic là từ ghép của Information graphic, có nghĩa là hình thức đồ họa trực quan nhằm trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức một cách rõ ràng, nhanh chóng và bắt mắt. Thay vì trình bày thông tin 1 cách khô khan, cứng nhắc, với Infographic, đội ngũ truyền thông có thể kết hợp thông tin ngắn gọn, hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động, bắt mắt.

55. Truyền thông nội bộ (Internal Marketing)

Internal marketing là hoạt động marketing của doanh nghiệp tập trung vào các đối tượng nội bộ. Góc nhìn được mở rộng hơn – coi nhân viên ở các cấp là khách hàng, công việc là sản phẩm.

Internal marketing dựa trên quan điểm:

Sự hài lòng của khách hàng không chỉ dựa trên trải nghiệm với sản phẩm/dịch vụ mà còn thông qua sự tiếp xúc với các nhân viên ở các vị trí khác nhau của doanh nghiệp. Nhân viên có tốt thì mới phục vụ khách hàng hiệu quả. Vì vậy, mục tiêu của truyền thông nội bộ là phải thỏa mãn nhu cầu của nhân viên. Sau đó, chính họ sẽ giúp người tiêu dùng có những trải nghiệm vui vẻ và tuyệt vời hơn.

56. Từ khóa (Keyword)

Keyword hay còn gọi là Search Keyword, là một thuật ngữ trong Digital Marketing có nghĩa là Từ khóa tìm kiếm, dùng để mô tả tất cả từ, cụm từ hoặc thậm chí là ký tự mà người dùng công cụ tìm kiếm đã sử dụng để tìm kiếm một nội dung nào đó trên Search Engine.

Đối với Search Enigne, từ khóa giống như một đường đi tắt giúp người dùng có thể ngay lập tức tìm được những trang web có chứa nội dung gần nhất với thông tin mà họ đang tìm.

57. Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (Key Performance Indicator – KPI)

Key Performance Indicator là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công việc được thể hiện qua số liệu, tỉ lệ, chỉ tiêu định lượng, nhằm phản ảnh hiệu quả hoạt động của các tổ chức hoặc bộ phận chức năng của công ty hay doanh nghiệp cá nhân.

Mỗi bộ phận trong công ty sẽ có các chỉ số KPI khác nhau để đánh giá hiệu quả làm việc một cách khách quan của mỗi bộ phận đó.

58. Trang đích (Landing Page)

Landing Page là một trang web đơn có nội dung tập trung nhằm dẫn dắt và thuyết phục người đọc thực hiện một mục tiêu chuyển đổi cụ thể. Landing Page thường được đội ngũ Marketing sử dụng trong các chiến dịch truyền thông, bán hàng, sự kiện hội thảo… của công ty.

59. Khách hàng tiềm năng (Lead)

Lead trong Marketing là một chuỗi tập hợp đối tượng khách hàng có phản hồi hoặc thể hiện sự quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sau chiến dịch Marketing. Đối tượng có thể là khách hàng tiềm năng, có khả năng thuyết phục mua hàng.

Với nhiều công ty, Lead được phân thành nhiều cấp độ. Lên tới mỗi cấp độ cao hơn, Lead cũng có tỷ lể chuyển đổi cao hơn.

60. Tạo khách hàng tiềm năng (Lead Generation)

Lead Generation là thuật ngữ chỉ quá trình thu hút và chuyển đổi “người lạ” thành một người thể hiện sự quan đến sản phẩm/dịch vụ của công ty bạn. Một số ví dụ về công cụ sử dụng trong quá trình tạo khách hàng tiềm năng là các bài đăng , tài liệu trên blog, sự kiện trực tiếp, phiếu giảm giá,..

61. Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng (Lead Nurturing)

Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng là một bộ chiến lược marketing tích hợp được thiết kế để biến những khách hàng tiềm năng thành những người mua.

Mua lại thông tin liên lạc là điểm khởi đầu chiến dịch nuôi dưỡng. Đội ngũ bán hàng và các chuyên gia marketing sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm kiếm và nuôi dưỡng các khách hàng tiềm năng. Các cách này có thể là email marketing trực tiếp hoặc content marketing.

62. Marketing Qualified Leads (MQLs)

Marketing Qualified Leads là đối tượng có nhiều khả năng trở thành khách mua hàng so với các khách hàng tiềm năng khác dựa trên thông tin, hành vi thu nhập được thường được phân tích bằng một quá trình khép kín.

63. Giá trị vòng đời khách hàng ( Lifetime Customer Value)

Giá trị vòng đời khách hàng là giá trị mà một khách hàng chi trả cho sản phẩm của công ty bạn trong suốt cuộc đời của họ.

Nguồn lợi nhuận dài lâu, bền vững của các doanh nghiệp đến từ nguồn khách hàng trung thành vì giá trị vòng đời khách hàng rất cao.

64. Hiệu ứng ám ảnh mất mát (Loss Aversion)

Loss Averson là thành kiến nhận thức khiến mọi người có xu hướng tránh rủi ro nhiều hơn là cố gắng để đạt được điều gì đó. Chẳng hạn, nếu bị mất 50 USD thì một người sẽ có cảm xúc mãnh liệt hơn là nhận được cùng số tiền đó.

Hiện tượng tâm lý này cùng các hệ quả của nó – bao gồm định kiến về tình trạng hiện tại (status quo bias) và hiệu ứng của sự sở hữu (endowment effect) sẽ khiến chúng ta càng thích những thứ mình đã được sở hữu hơn.

65.  Margin

Trong chứng khoán và đầu tư, Margin được biết tới là thuật ngữ chỉ giao dịch ký quỹ, một hình thức đòn bẩy tài chính

Nhưng trong tiếp thị và bán hàng, thuật ngữ Margin chỉ số lợi nhuận thu được từ một sản phẩm hoặc dịch vụ sau khi tất cả các chi phí để bán sản phẩm hoặc dịch vụ đó đã được bảo hiểm.

66. Tự động hóa tiếp thị (Marketing Automation)

Marketing Automation là một khái niệm đề cập đến việc sử dụng phần mềm tự động trong quá trình làm Marketing của Doanh nghiệp. Phần mềm này sẽ được thiết kế để đảm nhận và tối ưu các đầu việc của Marketing được hoạt động trơn tru, hiệu quả, đúng tiến độ. Marketing automation sẽ giúp nhóm Marketing tiết kiệm được một phần thời gian mà không ảnh đến chất lượng công việc. Từ đó giúp bạn đạt mục tiêu nhanh hơn.

67. Định giá dựa trên thị trường (Market-Based Pricing)

Market-Based Pricing là chiến lược thiết lập giá chủ yếu dựa trên giá cả hiện tại của những sản phẩm hoặc dịch vụ tương đồng trên thị trường.

68. Định giá dựa trên giá trị (Value-based pricing)

Định giá dựa trên giá trị là chiến lược thiết lập giá chủ yếu dựa trên giá trị cảm nhận của người tiêu dùng về sản phẩm hoặc dịch vụ.

69.  Phát triển thị trường (Market Development)

Phát triển thị trường là tổng hợp các cách thức, biện pháp, phương hướng, đường lối mà doanh nghiệp áp dụng để đưa khối lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường đạt mức tối đa được gọi là phát triển thị trường.

Phát triển thị trường sản phẩm của doanh nghiệp, công ty… ngoài việc đưa sản phẩm hiện tại vào bán trong thị trường mới những công ty doanh nghiệp còn chú trọng đến việc phát triển và đáp ứng tốt thị trường ở hiện tại, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, từ đó gia tăng và mở rộng thị phần và phát triển thị trường ngày một rộng lớn hơn.

70. Thâm nhập thị trường (Market Penetration)

Thâm nhập thị trường là thước đo mức độ sản phẩm hoặc dịch vụ đang được khách hàng sử dụng so với tổng thị trường ước tính cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Mức độ thâm nhập thị trường có thể được sử dụng để xác định qui mô của thị trường tiềm năng. Nếu tổng thị trường lớn, những doanh nghiệp mới tham gia vào ngành có thể vẫn còn cơ hội trong việc giành được miếng bánh thị phần trên thị trường hoặc thu hút được một tỉ lệ phần trăm nào đó trong tổng số khách hàng tiềm năng của ngành.

Thâm nhập thị trường cũng có thể được sử dụng trong việc phát triển các chiến lược nhằm tăng thị phần của sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.

71. Nghiên cứu thị trường (Market Research)

Nghiên cứu thị trường là một quá trình dài thu thập và phân tích, diễn giải các thông tin của một thị trường, sản phẩm, hoặc dịch vụ. Nghiên cứu thị trường có thể  cho ta biết quá khứ, hiện tại và tương lai của một ngành hàng và có 2 vai trò chính:

  • Giảm thiểu rủi ro vận hành
  • Đo lường hiệu quả

72. Tiếp thị (Marketing)

Cụ thể theo lời của giáo sư Philip Kotler – Cha đẻ của Marketing hiện đại: Marketing giống như nghệ thuật và khoa học để con người ta thỏa sức sáng tạo nhằm thỏa mãn nhu cầu của đối tượng sử dụng dịch vụ sản phẩm hay rộng hơn là toàn thị trường. Và mục tiêu cuối cùng của marketing giúp chủ thể thực hiện sau đó nâng cao lợi nhuận.”

Còn theo Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ, Marketing lại được định nghĩa như sau “Marketing là cả một quá trình bao gồm công việc sáng tạo, đánh giá, quảng cáo. Sau đó cụ thể hóa ý tưởng thành sản phẩm dịch vụ cụ thể và hình thành chu trình trao đổi, làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.”

Và nếu hiểu theo cách đơn giản hơn, Marketing giống như cầu nối kết nối giữa người cung cấp hàng hóa dịch vụ và người có nhu cầu.

73. Doanh thu định kỳ (Recurring Revenue)

Doanh thu định kì là một phần doanh thu của công ty dự kiến sẽ tiếp tục thu được trong tương lai. Khác với doanh thu một lần, loại doanh thu này ổn định, có thể dự đoán được và có thể tin rằng sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai với mức độ chắc chắn tương đối cao.

74. Giai đoạn giữa Phễu Bán hàng (Middle of the Funnel – MOFU)

MOFU là một giai đoạn của phễu bán hàng mà người mua bước vào sau khi họ đã xác định được vấn đề của mình. Đây là thời điểm mà bạn phải định vị doanh nghiệp của mình là giải pháp phù hợp cho vấn đề của họ.

75. Phát triển sản phẩm mới (New Product Development)

Phát triển sản phẩm mới là việc tạo ra hoặc cải tiến các sản phẩm với các đặc điểm khác nhau mang lại giá trị gia tăng cho người dùng cuối. Phát triển sản phẩm liên quan đến việc sửa đổi một hoặc một số chi tiết của sản phẩm hoặc tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới có thể đáp ứng nhu cầu của đối tượng mục tiêu.

76. Thị trường ngách (Niche Market/Business)

Thị trường ngách được hiểu là một phân khúc thị trường rất nhỏ so với toàn bộ thị trường. Đây là nơi được hình thành nhờ sự bỏ qua của các nhà cung cấp lớn trên thị trường đối với một nhu cầu của sản phẩm hoặc dịch vụ, mà họ cho rằng quá nhỏ để có thể thực hiện.

Ví dụ về thị trường ngách: Thời trang là một thị trường lớn bao gồm nhiều thị trường nhỏ hơn. Các thị trường nhỏ hơn khi phân khúc ra gồm có thời trang cho nữ, thời trang cho nam. Phân khúc nhỏ hơn nữa là thời trang cho bé gái, cho học sinh, sinh viên, trung niên, dân văn phòng…Rồi tiếp tục phân khúc sẽ được ngách nhỏ như thời trang vintage cho dân văn phòng. Đây chính là thị trường ngách của thị trường thời trang.

77. Xã hội hóa tổ chức (Onboarding)

Onboarding được hiểu là đào tạo nhập môn cho nhân viên mới. Đây là quá trình giúp những người mới tiếp xúc, làm quen và hòa hợp với văn hóa doanh nghiệp lẫn công việc để tự tin cống hiến năng lực. Qua đó, nhân viên mới sẽ được tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng, cách ứng xử, giao tiếp… cần thiết. Nhân viên mới càng hòa nhập nhanh thì hiệu quả công việc càng được nâng lên và vì thế, đóng góp cho doanh nghiệp cũng tăng đáng kể.

78. Offer

Offer là những giá trị mà bạn sẽ cung cấp cho khách hàng tiềm năng trên Landing Page. Nó có thể bao gồm : Phiếu giảm giá mua hàng, sách điện tử, video dạy học, vé tham dự hội thảo…

79. Pay-Per-Click (PPC)

PPC là một mô hình tiếp thị trên internet, trong đó các nhà quảng cáo phải trả một khoản phí mỗi khi một trong số các quảng cáo của họ được nhấp. Giá bạn trả cho mỗi nhấp chuột thường dựa vào giá thầu của bạn cho quảng cáo cụ thể đó. Ví dụ về nơi bạn sẽ thấy quảng cáo PPC bao gồm công cụ tìm kiếm (Google, Bing, v.v …), quảng cáo qua banner, mạng xã hội (Twitter, LinkedIn, Facebook).

80. Kế hoạch phát triển bản thân (Personal Development Plan – PDP)

Kế hoạch phát triển bản thân là một bản kế hoạch hành động dựa trên sự nhận thức, trải nghiệm, sự đánh giá, mục tiêu và phương hướng cho sự phát triển bản thân xét trong lĩnh vực nghề nghiệp, giáo dục, mối quan hệ hoặc việc tự hoàn thiện.

PDP được phát triển cho những cá nhân đang muốn đánh giá S.W.O.T của họ. phân tích để lập kế hoạch thành tích và thành công trong tương lai của họ.

81. Point of Contract (POC)

POC là thuật ngữ chỉ Người đại diện, người ra quyết định / hỗ trợ cho doanh nghiệp / tổ chức về tiếp thị và bán hàng.

82. Portfolio

Portfolio là tổng hợp các dự án, đại diện cho kỹ năng, năng lực, phong cách, và kinh nghiệm của cá nhân. Nó giúp người xem có một cái nhìn tổng quan nhất về khả năng của cá nhân.

83. Quan hệ công chúng (Public Relations)

PR là việc tổ chức hay doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cho những hoạt động truyền thông nhằm: Xây dựng hình ảnh tổ chức, doanh nghiệp – giúp thu hút sự chú ý, quan tâm và nhận thức về thương hiệu; phát triển mối quan hệ tốt đẹp và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cộng đồng – giúp tạo ra cái nhìn thiện cảm, những chú ý dư luận xã hội tích cực về lâu dài đối với thương hiệu.

84. Nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D)

Nghiên cứu và phát triển là một trong những chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. Nghiên cứu và phát triển bao gồm việc đầu tư, tiến hành và/hoặc mua bán các nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

85. Thiết kế tự điều chỉnh (Responsive design)

Responsive design là cách tiếp cận trong đó thiết kế (hay giao diện) của website sẽ linh hoạt điều chỉnh sao cho phù hợp kích cỡ màn hình cũng như nền tảng mà người truy cập sử dụng.

86. Tỷ suất hoàn vốn (Return on Investment – ROI)

Return on Investmenent là chỉ số doanh thu trên chi phí. ROI thể hiện số tiền mà doanh nghiệp thu về trên đầu mỗi đồng chi phí mà họ bỏ ra. Ví dụ, nếu chỉ số ROI là 5:1 thì mỗi 1 đô doanh nghiệp chi ra sẽ mang lại 5 đô doanh thu.

Thuật ngữ ROI ra đời nhằm mục đích gắn kết hoạt động sinh lời của doanh nghiệp với kinh phí mà họ phải bỏ ra cho các hoạt động kinh doanh. Điều này cũng đúng khi ta đo lường hiệu quả của các hoạt động marketing. ROI sử dụng hai yếu tố chính để tính toán: Chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra, và số tiền họ thu về từ những hoạt động trên (trong trường hợp này, ta sử dụng yếu tố doanh thu để tính toán).

Công thức tính: ROI = Lợi nhuận ròng / Chi phí đầu tư * 100%

87. Tiếp thị giới thiệu (Referral Marketing)

Tiếp thị giới thiệu là một phương pháp quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng mới thông qua việc giới thiệu, thường là truyền miệng. Sự giới thiệu như vậy thường xảy ra tự phát nhưng các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến điều này thông qua các chiến lược thích hợp

88. Tiếp thị quan hệ (Relationship Marketing)

Relationship marketing là quá trình xây dựng các kết nối dài hạn và niềm tin của khách hàng đối với các mục tiêu ngắn hạn, chẳng hạn như bán hàng cá nhân. Mục tiêu của Relationship marketing là tạo ra các tương tác cá nhân và hấp dẫn, phát triển kết nối cảm xúc với khách hàng.

Khi bạn tập trung vào việc tìm hiểu thêm về mối quan tâm hay vấn đề của khách hàng bạn có thể bán được nhiều hơn trong tương lai. Bởi bạn biết làm thế nào để sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể giải quyết vấn đề của họ – điều này giúp xây dựng niềm tin và mối quan hệ tốt với khách hàng của bạn. Điều này giữ họ gắn bó với bạn lâu hơn và giúp bạn kinh doanh nhiều hơn.

89. Phễu bán hàng (Sales Funnel)

Phễu bán hàng là phương pháp được sử dụng nhằm phân tích người mua khi họ trải nghiệm từng giai đoạn trong qui trình mua. Hiểu biết các giai đoạn mà người mua trải qua trong quá trình mua hàng có thể giúp công ty biến các khách hàng tiềm năng thành người mua hàng.

90. Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine Optimization – SEO)

Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là quá trình tăng chất lượng và lưu lượng truy cập website bằng cách tăng khả năng hiển thị của website hoặc webpage [1] cho người dùng trên các máy truy tìm dữ liệu như Google, Bing, Yahoo,… SEO liên quan tới cải thiện kết quả tìm kiếm không tốn phí (kết quả tìm kiếm “tự nhiên”), không bao gồm nguồn truy cập trực tiếp và việc mua quảng cáo hiển thị. Ngoài ra, kỹ thuật SEO có thể sử dụng cho các loại tìm kiếm khác nhau, bao gồm tìm kiếm hình ảnh, video, nội dung học thuật, tin tức và kết quả trên công cụ tìm kiếm theo ngành.

91. Smarketing 

Smarketing là thuật ngữ ghép từ “Sales” và “Marketing”, đề cập đến sự tích hợp các quy trình bán hàng và tiếp thị của một doanh nghiệp với nhau. Mục tiêu của Smarketing là đảm bảo hoàn thành 100% mục tiêu doanh số kinh doanh và tiếp thị, vì vậy cả hai bộ phận Sales và Marketing sẽ hợp tác, làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu cuối cùng

92. Mạng xã hội (Social Media)

 Mạng xã hội là các ứng dụng hoặc chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng Internet, nhằm tạo điều kiện cho việc tạo mới hoặc chia sẻ thông tin, ý tưởng, lợi ích nghề nghiệp và các nội dung khác thông qua các thiết bị công nghệ và mạng máy tính. Các ví dụ điển hình có thể kể đến như: Facebook, Instagram, Twitter…

93. Phân tích S.W.O.T (S.W.O.T. Analysis)

SWOT là từ viết tắt của 4 cụm từ tiếng Anh, tương ứng với 4 thành tố. Bao gồm:

  • Strengths có nghĩa là điểm mạnh
  • Weaknesses có nghĩa là điểm yếu
  • Opportunities có nghĩa là cơ hội
  • Threats có là thách thức

4 thành tố trên hợp lại với nhau tạo thành mô hình ma trận SWOT. Mô hình này được ứng dụng phổ biến trong phân tích doanh nghiệp. Nhằm tìm ra hướng đi đúng đắn, hình thành cơ sở phát triển vững chắc.

94. Thị trường mục tiêu (Target Marketing)

Target marketing  là chiến lược chia nhỏ thị trường lớn thành các phân khúc nhỏ hơn để tập trung vào một nhóm khách hàng cụ thể trong đối tượng đó. Nó xác định một phân khúc khách hàng dựa trên những đặc điểm riêng biệt của họ và chỉ tập trung vào việc phục vụ họ.

Thay vì cố gắng tiếp cận toàn bộ thị trường, một thương hiệu sử dụng tiếp thị mục tiêu để dồn sức kết nối với một nhóm cụ thể, xác định trong thị trường đó.

Bốn kiểu phân khúc thị trường mục tiêu chính là:

  • Phân khúc nhân khẩu học: tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng hôn nhân, chủng tộc, tôn giáo, v.v.
  • Phân khúc tâm lý: giá trị, niềm tin, sở thích, tính cách, lối sống, v.v.
  • Phân khúc hành vi: thói quen mua hàng hoặc chi tiêu, trạng thái người dùng, tương tác với thương hiệu, v.v.
  • Khu vực địa lý: vùng lân cận, mã vùng, thành phố, vùng, quốc gia, v.v.

95. Đầu kênh bán hàng (Top of the Funnel – TOFU)

Trong khi khách hàng tiềm năng của Bottom of the Funnel (BOFU) đang ở giai đoạn sẵn sàng mua, khách hàng của TOFU đang ở giai đoạn đầu của quá trình mua. Họ đang tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề mà họ mới nhận ra rằng họ đang gặp phải. Các nhà tiếp thị tạo nội dung TOFU giúp khách hàng tiềm năng xác định vấn đề và đưa họ đến giải pháp.

96. Lợi điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition – USP)

USP có thể được coi là “những gì bạn có mà đối thủ cạnh tranh của bạn không. USP là một yếu tố để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như chi phí thấp nhất, chất lượng cao nhất, sản phẩm đầu tiên trên thị trường hoặc một số khác biệt khác.

Các USP tốt có chất lượng độc đáo và có thể giải thích việc chất lượng đó sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng như thế nào, tất cả chỉ bằng một vài từ mang thông điệp đáng nhớ. Nhiều công ty trong quá khứ và hiện tại sử dụng USP làm khẩu hiệu của họ, để họ có thể truyền tải chúng tới nhiều khách hàng tiềm năng nhất có thể.

97. Trải nghiệm khách hàng (User Experience – UX)

Trải nghiệm người dùng là trải nghiệm tổng thể của người dùng với một sản phẩm, trang web, ứng dụng trên thiết bị di động hoặc dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp.

98. Tuyên bố giá trị (Value Proposition)

Tuyên bố giá trị là giá trị mà một công ty hứa sẽ cung cấp cho khách hàng nếu họ chọn mua sản phẩm của công ty mình. Tuyên bố giá trị cũng là một lời bày tỏ về ý định hoặc một lời tuyên bố nhằm giới thiệu thương hiệu của công ty với người tiêu dùng, bằng cách khách hàng biết công ty đại diện cho điều gì, cách thức hoạt động và lí do công ty lựa chọn thương hiệu đó.

Tuyên bố giá trị có thể được trình bày dưới dạng một lời tuyên bố kinh doanh hoặc tuyên bố trong marketing mà công ty sử dụng để tóm tắt lí do tại sao người tiêu dùng nên mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của họ.

99. Tiếp thị lan truyền (Viral Marketing)

Tiếp thị lan truyền là một chiến lược Marketing có khả năng tác động đến hành vi chia sẻ, lan truyền nội dung, thông điệp từ người này đến người khác một cách nhanh chóng.

Nội dung chính là điểm mấu chốt để tạo nên một chiến dịch Viral Marketing. Nội dung ở bất kỳ hình thức nào cũng có thể tạo được tính Viral như video, hình ảnh, bài viết trên website, slogan… Chỉ cần nó chạm tới cảm xúc của khách hàng (cảm xúc ở đây có thể là tích cực hoặc tiêu cực), thì cơ hội để được lan truyền càng dễ dàng hơn. Từ đó thúc đẩy khách hàng quan tâm đến thương hiệu, sản phẩm và nội dung bạn tạo ra thông qua lượt xem, lượt yêu thích và đặc biệt là lượt chia sẻ.

100. Luồng công việc (Workflow)

Workflow là một sơ đồ miêu tả thứ tự thực hiện từng công việc, từng sự kiện. Sơ đồ này giúp cho nhà quản trị thấy được chính xác công việc được thực hiện như thế nào hay có thể dùng nó để thiết kế một trình tự công việc khoa học và mang lại hiệu quả cao.

Workflow có thể dùng được ở nhiều lĩnh vực và được sử dụng ở nhiều công việc khác nhau. Ví dụ như bạn có thể dùng để thiết kế trình tự công việc phải làm cho một dự án xây dựng chẳng hạn.

100 thuật ngữ thông dụng về Tiếp thị và Bán hàng mà bạn nên biết (Phần 1)

Marketing & Sales là hai lĩnh vực rộng lớn với rất nhiều thuật ngữ và không thể tóm tắt trong 1-2 bài viết được. Nhưng MBA Andrews hy vọng một trăm thuật ngữ cơ bản và thông dụng trên đây sẽ phần nào đó giúp ích được cho bạn.

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.