Bạn đã bao giờ đưa ra một quyết định mà khi nhìn lại thì thấy nó thật phi logic chưa? Bạn không hề một mình, tất cả chúng ta đều có những lúc là một sinh vật phi logic mặc dù chúng ta nghĩ ngược lại!
Mỗi một cá nhân có nhận thức đều tự tạo ra thực tại xã hội của riêng họ. Và cách mà mỗi chúng ta nhìn thế giới đều nhuốm màu sự chủ quan (dù ít hay nhiều), bởi vì tất cả chúng ta đều có những thành kiến về nhận thức.
Khái niệm thành kiến nhận thức được đưa ra vào năm 1972 bởi hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman. Thành kiến nhận thức là một lỗi tư duy có hệ thống làm ảnh hưởng đến các phán đoán và các quyết định của chúng ta.
Tính đến thời điểm viết bài này, có 106 thành kiến nhận thức liên quan đến việc ra quyết định đã được biết đến! Tất cả chúng ta đều mắc phải những lỗi này. Vì vậy, chẳng ích gì khi bạn cố gắng loại bỏ hết tất cả thành kiến nhận thức của mình. Điều này gần như là bất khả thi.
Tuy nhiên, với việc nhận thức và cố gắng khắc phục sửa đổi, bạn có thể tránh được một số lỗi tư duy nghiêm trọng mà nhiều người trong chúng ta mắc phải. Bằng cách tránh những lỗi tư duy này, chúng ta có thể cải thiện các quyết định của mình và làm cho đời sống cá nhân cũng như sự nghiệp trở nên tuyệt vời hơn.
Sau đây là danh sách ba lỗi tư duy phổ biến và khá nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có mắc những lỗi tư duy này không? Nếu có, hãy cùng Andrews The Power MBA nhận thức và quản lý sự ảnh hưởng của nó.
1. Nghĩ rằng những điều tiêu cực từ cuộc sống hoàn toàn đến từ các tác nhân bên ngoài và không thể tác động
Thành kiến nhận thức yêu thích của tôi là “thành kiến tập trung”. Đó là bằng chứng khoa học cho ý tưởng rằng cuộc sống của bạn là kết quả của những suy nghĩ của bạn – không phải những sự kiện xảy ra với bạn.
Thành kiến tập trung đề cập đến cách nhận thức của một người bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chọn lọc trong sự chú ý của họ. Và theo một cách tự nhiên, nhận thức của chúng ta ảnh hưởng đến hành động và quyết định của chúng ta để tạo nên cuộc sống của chúng ta.
Nếu bạn đang thấy rằng cuộc sống của mình quá tiêu cực, bạn cũng có thể đang có nhận thức tiêu cực về cuộc sống. Đó là những gì thành kiến này nói. Tâm trí của chúng ta có thể phi logic, nhưng đồng thời nó cũng đơn giản.
Phải làm gì với nó?
Hãy chú ý đến những gì bạn đã tiếp xúc: Những người trong cuộc sống của bạn, những cuộc trò chuyện bạn có, âm nhạc bạn nghe, sách bạn đọc, phim bạn xem.
Bạn cần hiểu rằng mọi thứ mà bạn tiếp xúc đều sẽ ảnh hưởng đến bạn. Bạn không thể ngăn cản tất cả những ảnh hưởng này. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát tốt hơn bằng việc lựa chọn những gì mình nên tiếp xúc.
Khi sự chú ý của bạn hướng đến những điều tích cực, bạn sẽ có một cái nhìn tích cực về cuộc sống. Còn khi sự chú ý của bạn hướng đến những điều tiêu cực? Bạn đã biết câu trả lời.
2. Tin tưởng hoàn toàn vào tâm trí của mình
Nếu bạn vẫn cho rằng tâm trí hoàn toàn là bạn của mình thì bạn đã nhầm! Bằng chứng cho điều vừa nói thì bạn có thể tìm thấy trong một thành kiến nhận thức nổi tiếng, thành kiến xác nhận.
Thành kiến này nói rằng “Nếu bạn tin vào điều gì đó, bạn sẽ cố gắng tìm kiếm thông tin, manh mối và dấu hiệu để chứng minh điều đó. Nói cách khác, bạn làm mọi thứ để chứng minh mình không sai.”
Các nhà khoa học cũng có thể mắc phải lỗi tư duy này. Họ thường là những người nổi tiếng trong việc tìm kiếm bằng chứng cho định kiến có sẵn của họ. Bạn thấy không? Không ai là hoàn hảo.
Phải làm gì với nó?
Tôi nhận thấy rằng một quan điểm sống thực tế và trung lập sẽ dẫn chúng ta đến với những quyết định sáng suốt hơn.
Thật không may, con người không thể luôn luôn đưa ra cái gọi là “quyết định tốt nhất”. Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hoàn hảo đầy rẫy những người có thể đưa ra quyết định hợp lý và thực tế.
Tôi thường tránh việc kết luận hay đưa ra quyết định vội vàng chỉ dựa trên những điều mà mình đã biết. Mỗi khi tôi bị mắc kẹt trong một khuôn mẫu tư duy, tôi cố gắng thoát ra bằng cách xem danh sách các thành kiến nhận thức.
Thật là một cảm giác tuyệt vời khi chúng ta có thể nghĩ rằng mình đã tìm ra một chân lý bất biến vì đã đọc được một vài cuốn sách hoặc nghiên cứu. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng: “Bạn vẫn không thể tin tưởng hoàn toàn vào những đánh giá của mình, cho dù bạn có bao nhiêu kiến thức.” Nhận thức được lối tư duy đơn giản này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
3. Nghĩ rằng bạn sẽ “KHÔNG BAO GIỜ” làm lại một điều gì đó
Khi tôi trở về sau một chuyến đi căng thẳng, tôi đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ đi du lịch nữa!”
Khi mối quan hệ đầu tiên của tôi kết thúc, tôi đã nói: “Chuyện tình cảm thật đau khổ! Tôi sẽ chẳng bao giờ yêu ai thật lòng nữa.”
Khi tôi bỏ công việc cuối cùng của mình, tôi nói: “Tôi sẽ không bao giờ làm việc cho ai đó nữa, tôi sẽ tự làm chủ!”
Khi tôi phát ngán vì phải chen lấn trên các phương tiện công cộng, tôi nói: “Tôi sẽ không bao giờ đi tàu hay xe bus nữa!”Khi tôi mất một nửa số tiền của mình trong sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008/2009, tôi đã nói: “Tôi sẽ không bao giờ đầu tư nữa!”
Tất nhiên, tôi lại đi du lịch, lại đầu tư, lại yêu hết mình, lại đi tàu, và trong tương lai, tôi có thể sẽ lại làm việc dưới quyền một người khác.
Phải làm gì với nó?
Bạn không thể nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ làm được điều gì đó sau một trải nghiệm tồi tệ. Đó là điều tôi đã học được từ kinh nghiệm cá nhân. Trên thực tế, đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải học được!
Nhưng vấn đề là chúng ta vẫn cứ nói những điều ngu ngốc này và còn bị mắc kẹt với lỗi tư duy này. Đó chính là lý do tại sao chúng ta ngại đầu tư tiền của mình, bắt đầu kinh doanh, yêu ai đó… và làm cho cuộc sống của mình trở nên tuyệt vời hơn.
Kết.
Những lỗi thành kiến nhận thức kể trên vẫn có thể đem lại một số lợi ích nhất định, nhưng nhìn chung, chúng là những vật cản lớn trên con đường phát triển bản thân của mỗi chúng ta.
Bởi vậy, để có thể quản lý chúng tốt hơn, hãy luôn nhớ rằng: “Chúng ta không bao giờ có thể là một sinh vật hoàn toàn logic.” Hãy thường xuyên dành thời gian đánh giá bản thân một cách khách quan, sẵn sàng thay đổi lỗi tư duy của mình khi có thể và thực sự luôn chắc chắn rằng mình đã cân nhắc mọi yếu tố có thể trước khi đưa ra một quyết định quan trọng.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.