Đó là lời mở cho sự kiện được ĐH Andrews tài trợ cùng Mentally Fit, I.VALUE và sự góp mặt của diễn giả Alain Goudsmet – CEO Mentally Fit.
Thầy Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu đầu buổi hội thảo
Trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp không muốn bị đào thải thì nhiệm vụ của người là lãnh đạo là phải làm sao cho các bộ phận trong doanh nghiệp của mình luôn hoạt động với hiệu suất tối đa. Song song với việc đó, các doanh nghiệp cũng luôn cần tự tìm kiếm những thách thức mới, sáng tạo lối đi và sẵn sàng thoát ra khỏi vùng “an toàn” trong kinh doanh. Tuy nhiên, giống như một vận động viên thể thao tập luyện với cường độ cao và bị căng cơ, chấn thương… các doanh nghiệp nếu hoạt động một cách không ngừng nghỉ mà không có những “liều thuốc” thích hợp thì bộ máy vận hành cũng sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng, ì trệ. Vậy những “liều thuốc” đó là gì?
1. GIVE SENSE / CHIA SẺ TẦM NHÌN
Nếu những người lãnh đạo muốn nhân viên của mình không ngại khó, ngại khổ và hết lòng cho công việc thì điều đầu tiên họ phải làm là chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn của mình cho nhân viên. Định hướng phát triển tương lai của công ty sẽ như thế nào? Mục đích doanh nghiệp nhắm đến là sao? Công ty sẽ cho họ giá trị gì khi họ làm tốt công việc của mình? Việc chia sẻ những điều này cho nhân viên không chỉ làm cho họ thấm nhuần tư tưởng của công ty mà còn làm cho họ cảm thấy như mình trở thành một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của công ty.
Cảm giác trở thành một phần của cái gì đó to lớn rất quan trọng. Những nhân viên có khả năng luôn mong muốn được đóng góp và cống hiến, thậm chí đôi lúc họ không cần quan tâm đến những giá trị vật chất khác. Và điều những người lãnh đạo giỏi cần phải làm là cho nhân viên của mình thấy họ, đã, đang, và sẽ cống hiến cho thứ gì.
2. GIVE FOCUS / TẬP TRUNG VÀO MỤC TIÊU
” Bận rộn là một sư ngu ngốc mới” – Ông Alain Goudsmet chia sẻ.
Một số người lãnh đạo ngày nay đang bị sa đà vào “bận rộn”. Họ cố gắng để trở nên đa nhiệm hơn và kiểm soát từng sự vụ trong bộ máy doanh nghiệp … Chính suy nghĩ này làm họ không hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo của mình. Điều tốt hơn họ nên làm là phân quyền cho nhân viên của mình và để tâm trí tập trung cho những thứ thực sự quan trọng. “Nó giống như khi các vận động viên luyện tập nâng tạ 1 tay, điều họ cần phải làm là chỉ tập trung vào cánh tay của mình và nâng. Nếu họ để tâm trí xao nhãng, sang việc khác, cánh tay sẽ rất nhanh mỏi và việc hoàn thành bài tập sẽ khó khăn hơn.”
Diễn giả Alain Goudsmet chia sẻ với khán giả cách nâng tạ đúng
Điều này cũng đúng với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ bắt đầu thành lập với quá nhiều mục tiêu và kế hoạch. Xây dựng thương hiệu, cải thiện sản phẩm, chăm chút đội ngũ nhân sự… Có quá nhiều việc phải làm và không biết đặt ưu tiên vào đâu nên họ làm cùng một lúc. Việc có quá nhiều mục tiêu mà không có một sự tập trung cụ thể khiến ta phải chia một phần năng lượng để phân bổ đều thời gian. Thêm vào đó , công việc không liền mạch cũng khiến tiến độ chậm chạp và hiệu suất không hề cao. Kết quả mọi thứ cùng lắm sẽ chỉ dừng ở mức tạm được.
3. GIVE SUPPORT/ LUÔN HỖ TRỢ NHÂN VIÊN
“Một người lãnh đạo giỏi là người luôn thể hiện sự hiện diện và gần gũi với nhân viên” – Ông Alain Goudsmet nói.
Lãnh đạo là người quyết định môi trường, văn hóa của một tập thể. Nếu lãnh đạo là người gần gũi, và luôn nhiệt tình hỗ trợ nhân viên thì những người cấp dưới cũng sẽ làm việc nhiệt tình và đầy đam mê.
Để là một người lãnh đạo gần gũi, chìa khóa đầu tiên là lắng nghe. Dành thời gian lắng nghe ý kiến của nhân viên là cách dễ nhất và nhanh nhất giúp người lãnh đạo thể hiện sự quan tâm và thân thiện giữa sếp và nhân viên. Đôi khi chỉ là vài ba câu chuyện vu vơ cũng có thể xóa tan rào cản to đùng giữa cấp trên và cấp dưới.
Và dù có bận rộn thế nào cũng không nên quên những lời động viên, thăm hỏi dành cho cấp dưới, nhất là khi công việc đang trong giai đoạn căng thẳng. Người lãnh đạo vừa có thể nắm được tình hình công việc qua những lời thăm hỏi vừa gửi được sự động viên tinh thần lớn dành cho nhân viên của mình.
4. GIVE PRAISE / TẶNG NHỮNG LỜI KHEN NGỢI
“Khao khát và động lực sâu xa nhất trong bản chất của nhân loại chính là hy vọng bản thân có được tầm quan trọng” – John Dewey
Sự ghi nhận và khen ngợi của người lãnh đạo không chỉ là một hành động đẹp với nhân viên của mình mà nếu tận dụng đúng cách , nó còn là cách tuyệt vời để gia tăng tinh thần cho nhân viên , nâng cao hiệu quả công việc và thu lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Khi chấp nhận làm việc trong một tổ chức công ty, mỗi nhân viên đều luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nếu không có điều gì hay ai đó ghi nhân thành tích, hiệu quả công việc của họ, các nhân viên sẽ dần nản lòng và mất đi động lực làm việc.
Khán giả gửi lời cảm ơn đến chương trình và diễn giả
Từ những lời khen, nhân viên cấp dưới nhân ra những thành tích của mình được cấp trên ghi nhân rồi từ đó họ có thêm động lực để tiếp tục làm tốt hơn trong tương lai. Hãy tập trung vào khen ngợi những điều gì nhân viên làm tốt; tưởng thưởng ghi nhận họ bất cứ khi nào thấy họ xứng đáng. Đồng thời cũng nên tránh chỉ trích nhân viên trước mặt tập thể mà tìm cách khuyên bảo và nói chuyện riêng.
Việc đưa ra những lời khen sẽ tập trung ở ba điểm chính: Khen ngợi công khai – khiển trách kín đáo; khen ngợi linh hoạt – kịp thời và khen ngợi chân thành.