Trong xã hội có những người luôn cố gắng làm hài lòng người khác bằng cách nghĩ theo xu hướng của đám đông, nói và hành động theo những gì người khác mong muốn. Khi làm như vậy họ tin rằng bản thân sẽ được tin tưởng và trọng dụng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cách khiến ai đó nhanh chóng bị ‘chìm nghỉm’ trong một tập thể, cộp mác là “ba phải” – gió chiều nào xoay chiều đó. Họ sẽ dần đánh mất giá trị bản thân để chạy theo thái độ và cảm xúc của người khác.

Ngược lại, những người có tư duy phản biện tốt sẽ luôn được đánh giá cao bởi những góc nhìn sâu sắc và sáng tạo của họ về một vấn đề trong cuộc sống cũng như trong công việc. 

  • Tư duy phản biện là gì?

Theo Jennyfer Moon tác giả cuốn sách “Critical thinking an exploration of theory and practice”, tư duy phản biện được định nghĩa là khả năng đánh giá, suy xét vấn đề theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh khác nhau một cách logic và sáng tạo.

Những người có tư duy phản biện tốt sẽ luôn biết nhìn nhận phân tích dữ liệu mà bản thân thu thập được cũng như sẵn sàng học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra được những đánh giá khách quan trước tình huống đang gặp phải. Những người này được nhận diện bởi tác đặc điểm :

  • Biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của mọi người xung quanh
  • Đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục để chia sẻ quan điểm cá nhân
  • Có một tinh thần học hỏi rất cao

Về bản chất, tư duy phản biện đòi hỏi chúng ta phải kích hoạt khả năng quan sát, tìm tòi, phân tích và đánh giá. Những người có tư duy phản biện sẽ xác định, phân tích và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống thay vì bằng trực giác hay bản năng của mình.

  • Lý do cần rèn luyện tư duy phản biện? 

– Tư duy phản biện nâng cao khả năng bao quát tình hình

Việc suy nghĩ một cách rõ ràng và hệ thống, dựa vào vốn kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy và lòng tin cá nhân để phân tích vấn đề cần phản biện; giúp nhìn nhận, suy luận để đi đến những kết luận xa hơn, logic hơn.

Tư duy phản biện nâng cao khả năng thuyết trình và ngôn ngữ

Phản biện là quá trình giao lưu ngôn ngữ, đòi hỏi cá nhân muốn chứng minh được quan điểm của mình là đúng đắn thì phải đưa ra những lập luận xác đáng, logic và thu hút.

Suy nghĩ rõ ràng và có hệ thống có thể cải thiện cách mà chúng ta diễn đạt các ý tưởng. Đối với phân tích cấu trúc logic của văn bản, tư duy phản biện cũng tăng khả năng hiểu rõ những gì đã được viết.

– Tư duy phản biện thúc đẩy sự sáng tạo

Tìm ra giải pháp sáng tạo cho một vấn đề không chỉ cần đến các ý tưởng mới. Bản thân các ý tưởng mới này cũng bắt buộc phải hữu ích và liên quan đến vấn đề đang cần được giải quyết. Tư duy phản biện đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá các ý tưởng mới, lựa chọn những ý tưởng tốt nhất và điều chỉnh chúng nếu cần thiết.

– Tư duy phản biện quan trọng cho sự tự đánh giá

Tư duy phản biện là công cụ quan trọng trong quá trình tự đánh giá bản thân. Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, ta cần phải minh chứng và phản ánh các giá trị và quyết định của mình là đúng đắn. Đúng hay sai, so sánh những lợi ích và bất lợi của từng lựa chọn để quyết định hợp lý nhất, tư duy phản biện giúp bạn làm điều đó.

  • 5 kỹ năng quan trọng để tư duy phản biện tốt 

1. Quan sát (Observation): Những người tinh ý có thể nhanh chóng cảm nhận và xác định một vấn đề mới. Họ thậm chí có thể dự đoán trước về khả năng xảy ra vấn đề trong tương lai dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

2. Phân tích (Analysis): Khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả một tình huống đòi hỏi bạn phải biết những dữ kiện, thông tin nào là thực sự quan trọng. Điều này cũng bao gồm việc tìm hiểu các nghiên cứu khách quan, đặt câu hỏi để đảm bảo dữ liệu đó là chính xác.

3. Suy luận (Interference): Suy luận là khả năng đưa ra kết luận về thông tin bạn có được, quá trình này thường đòi hỏi bạn phải đưa ra câu trả lời dựa trên thông tin hạn chế.

4. Giao tiếp (Communication): Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng khi cần giải thích và thảo luận về vấn đề, cũng như các giải pháp khả thi với đồng nghiệp và các bên liên quan.

5. Giải quyết vấn đề (Problem-solving): Sau khi đã xác định được vấn đề, phân tích và khám phá các biện pháp khắc phục khả thi, bước cuối cùng cần làm là thực thi giải pháp đã thống nhất trước. giải quyết vấn đề đòi hỏi vận dụng tư duy phản biện để tiến hành giải pháp tốt nhất, cũng như hiểu được liệu giải pháp này có mang lại hiệu quả hay không.

  • 4 phương pháp rèn luyện tư duy phản biện

– Không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân. Học thêm những điều mới mẻ

Trước khi nói ra hay lập luận một vấn đề bạn cần phải hiểu rõ vấn đề đó để có thể có cái nhìn khách quan, tổng quát nhất. Vì vậy bạn phải không ngừng học tập và trau dồi thêm kiến thức của bản thân để rèn luyện khả năng quan sát, đánh giá vấn đề.

Một người có kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều vấn đề sẽ có được kỹ năng tự tin, đó là điều cần thiết. Ngược lại, nếu thiếu kiến thức nền tảng hay kiến thức chung, tổng quát của vấn đề phản biện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đi vào bế tắc và buộc phải dừng lại.

– Đánh giá mọi việc khách quan

Một trong những rào cản lớn nhất của tư duy phản biện đó là suy nghĩ chủ quan. Khi các vấn đề được giải quyết theo hướng cảm tính và quá đặt nặng cái tôi vào đó vấn đề sẽ không được mở rộng, phân tích cũng như giải quyết triệt đề. Vì vậy, thay vì suy nghĩ mọi thứ theo hướng cá nhân, hãy loại bỏ góc nhìn chủ quan mà mở rộng, khách quan trong mọi việc, từ đó vấn đề sẽ được xem xét một cách logic, hạn chế rào cản trong phản biện.

– Luôn đặt ra giả định và lật lại, xem xét lại vấn đề

Để tư duy phản biện được rõ ràng, chỉn chu nhất việc đưa ra những câu hỏi giả định và lật lại vấn đề là điều không thể thiếu. Khi tiếp cận với một vấn đề hoặc một thông tin mới, cần luôn luôn đặt câu hỏi liên quan đến đánh giá các vấn đề đó, khi đó chủ đề được đưa ra sẽ sâu sắc hơn, hiểu chi tiết hơn.

Bạn có thể đưa ra giả định về tính đúng, sai của vấn đề. Đặt thêm nhiều câu hỏi để tư duy của bạn thêm hoàn thiện, hoàn hảo hơn. Sau khi có những câu hỏi giả định và đưa ra được những đánh giá riêng hãy lật lại vấn đề một lần nữa, xem xét chúng theo khía cạnh ngược lại có thể bạn sẽ tìm thêm được niều ý tưởng mới hoặc có thể phát hiện ra lỗ hỏng trong những suy nghĩ, lập luận trước đó.

– Kết luận của vấn đề phải được đưa ra dựa trên tình hình thực tế

Trong quá trình tư duy phản biện, có thể sẽ gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trước những phản bác, bạn đừng vội kết luận kết quả mà hãy bình tĩnh và phân tích lại vấn đề một lần nữa theo hướng thực tế. Xem xét sự việc đúng sai dựa trên những điều đã được chứng minh trước đó và tự đúc kết cho mình những kiến thức riêng.

Tổng kết lại thì trở thành một người bảo thủ hay ba phải là một điều vô cùng giản đơn, vì tất cả gì bạn cần làm đó là tin vào một nhận định nào đó mà không nhất thiết phải xem xét hay đánh giá các dữ kiện liên quan. Còn để trở thành một người có tư duy phản biện tốt, kiên định bảo vệ được ý kiến của cá nhân thì chúng ta không chỉ luôn phải sẵn sàng trì hoãn những phán đoán chủ quan để có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người xung quanh mà còn phải phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để tự phân tích, thu thập thông tin và đưa ra kết luận cuối cùng cho bản thân trước khi phản biện nó với ai đó. 

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.