Một trong những cựu học viên xuất sắc của Andrews The Power MBA khóa 02, chị Nguyễn Đào Hoàng Yến nổi bật lên như một tấm gương về tinh thần, nghị lực học hỏi không ngừng của mình. Ngưỡng mộ những gì chị làm, đội ngũ biên tập viên Focus của Andrews The Power MBA đã tìm cách liên hệ với chị. Chị Hoàng Yến hiện nay đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Otago, New Zealand. Qua trao đổi, chị chia sẻ về câu chuyện học Tiến sĩ của mình, những khó khăn vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui và kỉ niệm trong năm nghiên cứu đầu tiên. Chúng tôi xin được trích nguyên văn những gì chị chia sẻ như sau:

“Hành Trình Học Tiến Sĩ Ở New Zealand Thay Đổi Hoàng Yến Như Thế Nào?

Ở tuổi chuẩn bị bước sang bên kia triền dốc của cuộc đời thì việc đi học cao học quả là một thử thách lớn với tôi. Khi quyết định học MBA của Đại học Andrews tại Việt Nam, tôi đã từng nghĩ đó là bằng cao học cuối cùng tôi học vì vừa đi làm vừa học vào cuối tuần suốt gần hai năm sẽ là một chặng đường dài khá vất vả. Không như tôi nghĩ, quãng thời gian đi học MBA ở Andrews ấy, tuy có vất vả thật, nhưng lại mang đến cho tôi nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm, nhiều mối quan hệ, nhiều kiến thức hữu ích và quan trọng hơn hết đó là động lực để tôi tiếp tục con đường học hành của mình sau khi tốt nghiệp MBA.

(chị Hoàng Yến và gia đình trong buổi Lễ tốt nghiệp tại Đại học Andrews Hoa Kỳ)

Trong một tiết học, thầy Nguyễn Tấn Bình có chia sẻ với chúng tôi về ngã rẽ cuộc đời của thầy khi bắt đầu đi làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ sau tuổi 40. “Có khi nào mình cũng như vậy không? Có khi nào, đến một ngày nào đó, mình lấy được bằng Tiến sĩ và có dịp về giảng ở Andrews Việt Nam không?” Và đến một ngày, mơ mộng ấy được hiện thực hóa khi tôi quyết định sẽ gác lại công việc ở Việt Nam, xách ba lô lên đường thực hiện ước mơ Tiến sĩ. Chỉ khác một điều, nhà tôi ba người đi đâu cũng đồng hành cùng nhau, nên khi tôi vác ba lô đi học thì hai người bạn đồng hành của tôi dĩ nhiên không thể ở nhà. Vì vậy, con trai tôi đi cùng sang New Zealand học trung học (miễn phí), còn chồng tôi sang hỗ trợ và làm việc tại New Zealand. Hơn nữa, vì trước giờ dù tôi làm trong lĩnh vực giáo dục nhưng không liên quan đến học thuật và nghiên cứu nên trước khi học Tiến sĩ, tôi đã học thêm một bằng thạc sĩ ở New Zealand (Master of Marketing) để làm quen dần với phương pháp nghiên cứu và học tập ở nước ngoài. Khóa học này cũng giúp tôi có cơ hội xin học bổng Tiến sĩ ở trường Đại học Otago, thành phố Dunedin thuộc Đảo Nam của New Zealand.

 

Học tiến sĩ với Hoàng Yến khó như thế nào?

Đời sinh viên đi học có lẽ luôn là khoảng thời gian đẹp và trẻ trung nhất đối với tôi. Nhiều người quen và bạn bè thấy hình và những status trên Facebook của tôi đều bảo thấy tôi trẻ hơn, yêu đời hơn và đẹp hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng đi học tiến sĩ sướng lắm và dễ lắm nên tôi mới tung tăng như thế. Vậy đi học tiến sĩ có khổ không? Tôi không gọi là KHỔ vì tôi nghĩ SƯỚNG – KHỔ là do mình nghĩ. Nhưng tôi có thể nói, học tiến sĩ là KHÓ với tôi!

Sự khác biệt về môi trường: đây là cái khó đầu tiên với tôi. Trước giờ quen đi làm doanh nghiệp, giờ bước vào môi trường học thuật, ép mình phải học, thiệt là điều không dễ. Ngồi ghế học đường nhưng luôn mơ về dĩ vãng, xông pha bao mặt trận – khi thì gặp khách hàng, khi thì gặp đối tác, lúc thì đào tạo nhân viên, lúc chạy sự kiện, lúc thì căng não lên chiến lược, nghĩ kế hoạch, chạy deadline… Và, cuối tháng thấy tiền vào tài khoản ầm ầm. Giờ đi học chỉ thấy tiền ra tài khoản ào ào, nên nước mắt chỉ chực trào! Chi phí sinh hoạt ở New Zealand khá đắt đỏ, nhất là tiền thuê nhà phải trả hàng tuần. Chi phí ăn uống cũng không hề rẻ, nhất là rau củ quả và cá tươi. Để kiểm soát cái cảm xúc xót tiền vì đầu vào thì ít, đầu ra thì nhiều thực sự không phải dễ dàng gì với tôi. Nhưng bù lại trứng, sữa, phô mai, mật ong, thịt bò, thịt cừu rất ngon và rau củ quả tươi rất ngọt.

Sự kỷ luật bản thân: để có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu trong (tối thiểu) 3 năm, bản thân nghiên cứu sinh phải rèn luyện sự kỷ luật bản thân. Đây là một trong những kỹ năng mà tôi thấy không thực sự dễ dàng với mình. Mỗi ngày vào văn phòng làm việc, không có Sếp nào dí, không có thư ký nhắc việc, chỉ có mình đối diện với hai cái màn hình desktop và đống tài liệu bên cạnh mà nhiều khi không biết bắt đầu từ đâu. Nghiên cứu sinh phải chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Nghiên cứu sinh phải tự kỷ luật bản thân để một ngày trôi qua phải hiệu quả. Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng phải rất kỷ luật bản thân để kiểm soát những vấn đề liên quan về cảm xúc trong quá trình nghiên cứu như cảm giác nhớ nhà, nỗi lo lắng về người thân ở quê nhà trong mùa dịch, sự không chắc chắn khi lập kế hoạch trong mùa dịch, sự bế tắc khi chưa tìm ra được hướng nghiên cứu hay sự căng thẳng, lo âu trong quá trình nghiên cứu…

Ngoài ra, làm nghiên cứu không giống như khi đi học thạc sĩ. Không có bạn bè cùng lớp, không có thầy cô giảng bài hay deadline nộp bài quy định sẵn. Tuy có hai (hoặc ba) thầy cô hướng dẫn, nhưng nghiên cứu sinh phải chủ động hoàn toàn với đề tài nghiên cứu của mình, tự đưa ra lộ trình nghiên cứu và deadline. Khi làm nghiên cứu, việc đa số mọi người ngán ngẩm nhất là phải đọc và viết rất nhiều. Chuyện đọc vài trăm bài báo quốc tế, mỗi bài dài vài chục trang tiếng Anh và hàng chục sách giáo khoa mỗi năm là chuyện rất bình thường. Cái khó là làm sao để cái đầu mình không bay mơ mộng ở Phú Quốc, Nha Trang; cái tay mình không ngọ nguậy mò mẫm xem hình bà con ở nhà đi ăn ốc cuối tuần, cụng ly dô dô thuở nào và cái miệng mình không chảy nước miếng khi thấy hình bò bía, hột vịt lộn xào me, bánh tráng trộn… Tôi không biết với các bạn bè khác thế nào, nhưng với tôi, để cái đầu đang làm việc này không nghĩ xọ việc kia là điều mà tôi phải vất vả tập luyện. Trước đây, tôi đã quen luyện cho mình làm việc đa nhiệm (multi-task) – vừa nấu ăn, vừa quát con học bài, vừa nói chuyện điện thoại với nhân viên mà tay vẫn có thể bấm bàn phím điện thoại như siêu nhơn ấy. Chưa kể, đến lúc phải nộp bài mà cái đầu tắt tị, không có cái ý nào để viết. Và khi viết tiếng Anh học thuật, thầy cô cũng yêu cầu mình cao hơn rất nhiều, từ tư duy, cách diễn đạt cho đến cách thể hiện quan điểm, tranh luận trong phần viết của mình.

 

Học tiến sĩ ở New Zealand với Hoàng Yến thú vị như thế nào?

Dù chỉ mới bắt đầu nghiên cứu được hơn một năm, với tôi, đây quả là một chặng đường thú vị giúp tôi thay đổi bản thân rất nhiều. Tôi đã học và áp dụng được nhiều điều hay trong cuộc sống và nghiên cứu của mình.

Tự làm việc của mình (do-it-yourself): Tự làm việc của mình (do-it-yourself): Trước đây khi đi làm, tôi thường có hai em thư ký bên cạnh hỗ trợ công việc. Về nhà, có người giúp việc hỗ trợ dọn dẹp, lau chùi. Sang New Zealand, tôi học được thuật ngữ DIY (DO-IT-YOURSELF). Bạn sẽ thấy rất bình thường khi bắt gặp hình ảnh một cô gái trẻ Kiwi rất xinh che nón ngồi ở góc vườn sơn hàng rào vào mùa hè hay một cụ già tự tay khệ nệ bê một chồng sách cao ngất mượn ở thư viện thành phố. Sang New Zealand, gia đình tôi cũng như đa số các gia đình Việt ở New Zealand rất hay nấu những món ăn quê nhà mà khi ở Việt Nam hiếm khi nào tôi tự nấu. Một phần vừa đỡ nhớ nhà, một phần vì ở Dunedin không có nhiều lựa chọn món Việt khi ăn ngoài và cũng giúp tiết kiệm chi phí. Gia đình tôi làm rất nhiều món Việt và thi thoảng lại mời bạn bè đến cùng thưởng thức, từ phở, bún bò, bún riêu, hủ tiếu Nam Vang, bánh xèo đến giò chả, bánh chưng, bánh cam lúc lắc, chè trôi nước, xôi vò… Đi xa lại thấy khả năng bếp núc tiến bộ hơn.

Dành thời gian cho bản thân (me-time): Dành thời gian cho bản thân (me-time): Gần đây, tôi học được từ “Me-time” do thầy hướng dẫn nhắc nhở tôi cần phải dành thời gian cho bản thân. Thầy bảo “giờ em có tuổi rồi, không phải như hồi trẻ mà cứ làm việc hùng hục, phải biết dành thời gian cho bản thân để hồi phục năng lượng cơ thể”. Hồi xưa, tôi cứ nghĩ việc dành thời gian cho mình rất khó khăn vì lúc nào tôi cũng kêu “bận lắm” và khó để sắp xếp cho mình vài giờ đồng hồ hay 1-2 ngày nghỉ phép. Đến tuổi này, tôi thấy “me-time” không thực sự quá khó. Chỉ cần 15 phút nhưng khi mình dành toàn bộ “thân-tâm-trí” cho “me-time” cũng đã đủ để mình hồi phục lại năng lượng sau những giờ nghiên cứu căng thẳng. Môi trường sống ở Dunedin cũng rất thuận lợi để tôi thực hiện “me-time”. Nơi tôi ở có một vườn hoa hồng trước nhà với nhiều loại hồng khác nhau, một cây táo xanh đến mùa hè sai trĩu quả và một đồi đất nhỏ sau vườn để tôi có thể trồng ít rau thơm những khi không viết được bài. Sáng ngủ dậy, đã nghe tiếng chim hót véo von. Bên cạnh đó, trường Đại học Otago với hơn 152 năm tuổi mang một nét đẹp cổ kính bao quanh bởi khuôn viên xanh mát và một dòng suối lượn quanh. Mỗi ngày, sau giờ ăn trưa tôi thường dành khoảng 30 phút thả bộ xung quanh trường. Có hôm, tôi dành hẳn 60 phút leo lên khu đồi cao ở Botanic Garden gần trường để tập thể dục giữa ngày. Những hôm cuối tuần trời nắng, gia đình tôi có thể ra biển hoặc vào rừng đi bộ vài tiếng. Ở Dunedin khá yên tĩnh, không khí rất trong lành và không có trung tâm mua sắm sầm uất như ở Sài Gòn, không có nhiều khu vui chơi giải trí. Nhưng bù lại bạn có thể đi dạo ở nhiều bãi biển, đi bộ trong rừng, leo núi, đi cắm trại, ra công viên làm tiệc nướng BBQ, đi bắt vẹm, cào nghêu hay bắt bào ngư…

(Hình ảnh chị Hoàng Yến tại New Zealand)

Tăng năng suất làm việc: Thầy cô hướng dẫn của tôi không khuyến khích tôi làm việc vào cuối tuần. Vì vậy, để cuối tuần có thời gian dành cho gia đình và bản thân nhưng vẫn đảm bảo tiến độ nghiên cứu buộc lòng tôi phải tìm cách tăng năng suất làm việc những ngày trong tuần. Mỗi giờ, thậm chí, mỗi phút làm việc không được lãng phí và trong mỗi ngày làm việc đó, tôi vẫn dành những khoảng ngắn để nghỉ ngơi. Ở trường thường tổ chức các buổi hội thảo cho sinh viên sau đại học dạy về các kỹ năng giúp làm việc hiệu quả, cân bằng cuộc sống PhD… Tôi tham dự và thử những cách khác nhau để chọn những giải pháp phù hợp cho mình. Lúc ở Việt Nam, tôi cũng áp dụng một số cách để quản lý thời gian, nhưng sau này khi đọc thêm sách và nghiền ngẫm lại, tôi mới hiểu chỉ cần điều chỉnh một chút thì năng suất làm việc sẽ tăng cao hơn rất nhiều.
Làm việc khoa học: Trước đây, khi làm việc ở doanh nghiệp, tôi vẫn nghĩ rằng mình đã làm được rất nhiều việc trong ngày nhưng giờ nhìn lại, tôi đã làm việc chưa khoa học và sắp xếp thời gian chưa hợp lý nên thực lòng đánh giá thì rõ ràng trước đây, tôi vẫn có những khoảng thời gian “chết” hoặc sử dụng không hiệu quả. Bây giờ, mỗi ngày tôi vẫn nghiên cứu 8-10 tiếng như khi đi làm và tôi vẫn có thể nhận lớp dạy (part-time) ở khoa Marketing, tham dự hội thảo, làm tình nguyện viên, thi thoảng tư vấn từ xa cho bạn bè ở Việt Nam về giáo dục, học tập ở nước ngoài và vẫn có thời gian tập thể dục, chơi cầu lông với con, làm vườn trồng rau và đi chơi ngắm cảnh ở New Zealand. Ngoài việc kỹ năng quản lý thời gian của tôi tốt hơn rất nhiều thì tôi cũng học được cách tiếp cận một vấn đề và làm việc khoa học hơn, từ tư duy logic, cách xử lý vấn đề và ra quyết định. Cách suy nghĩ theo kiểu suy diễn vấn đề (interpretation), chưa biết chấp nhận sự khác biệt từ nhiều tính cách, nhiều nền văn hóa khác nhau…sẽ dễ dẫn đến những đánh giá chủ quan, phiến diện (judgement) hay những quyết định/suy nghĩ mang tính cảm tính. Hồi trước, tôi vẫn nghe nhiều về “tôn trọng sự khác biệt” hay “tư duy logic” nhưng khi thực sự trải nghiệm và thực hành tôi mới thấu đáo.

Sự kiên cường (resilience): đây là điều mà tôi tâm đắc nhất trải qua gần 3 năm học tập và làm việc tại New Zealand (học master và nghiên cứu sinh). Đây cũng là đề tài nghiên cứu mà tôi đang theo đuổi về sự kiên cường của sinh viên thông qua trải nghiệm cuộc sống dưới góc nhìn của marketing. Hành trình học tập của tôi ở New Zealand với những khó khăn từ thể chất, tâm lý đến tinh thần qua nhiều mặt (học tập, thích nghi môi trường mới, làm việc, văn hóa, cộng đồng, quản lý mối quan hệ…) đã giúp tôi vươn lên từng ngày. Sự bản lĩnh dần được hình thành qua những khó khăn, trở ngại mà tôi đã vượt qua.

Mỗi trải nghiệm cá nhân đều mang bản sắc riêng của mỗi người. Trải nghiệm của tôi sẽ không giống như những trải nghiệm của các nghiên cứu sinh khác, kể cả nghiên cứu sinh Việt Nam tại New Zealand. Tôi hy vọng câu chuyện cá nhân của tôi được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế sẽ mang đến cho các anh chị em “Andrewsers” một góc nhìn về cuộc sống nghiên cứu sinh tại Dunedin. Biết đâu, câu chuyện này sẽ lại là nguồn cảm hứng cho một Andrewser nào đấy như tôi đã có từ câu chuyện của thầy Bình.

Nếu anh chị em nào quan tâm về cuộc sống học tập tại New Zealand, tôi sẵn sàng chia sẻ những gì tôi biết (tôi có một bài phỏng vấn với đại diện Cơ quan Giáo dục New Zealand về trải nghiệm học tập trung học tại New Zealand của con trai tôi tại đường link https://eva.vn/giao-duc/dua-con-sang-hoc-tai-troi-tay-nguoi-me-bat-ngo-truoc-hung-thay-doi-cua-con-trai-c252a482840.html). Ngoài ra, tôi cũng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng học tập của mình tại nước ngoài cho sinh viên Việt Nam với mục đích hỗ trợ cộng đồng. Kinh nghiệm làm việc của tôi gần 20 năm qua là về mảng tư vấn giáo dục quốc tế và quản lý dịch vụ sinh viên/ tư vấn sinh viên đại học về học thuật, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và các hoạt động trải nghiệm quốc tế. Tôi tin rằng với bề dày kinh nghiệm và trải nghiệm học tập thực tế tại nước ngoài của mình, tôi có thể giúp được các em sinh viên Việt Nam. Nếu các anh chị em quan tâm và mong muốn kết hợp để hỗ trợ sinh viên, các anh chị em có thể liên hệ với tôi qua email yen.ng7979@gmail.com hoặc Facebook Yen Nguyen.

Cảm ơn Andrews Việt Nam đã tạo cơ hội cho tôi chia sẻ câu chuyện cá nhân của mình. Xin chúc Andrews Việt Nam luôn phát triển bền vững. Chúc các Andrewsers Việt Nam bình an và luôn vững tay chèo, kiên định vượt qua giai đoạn khó khăn mùa dịch.”

HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI

Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.

*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.