Báo cáo “Viễn cảnh kinh tế thế giới” của Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF) mới đây đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 2,7% từ mức 7% được đưa ra vào tháng 1/2020.
Theo nhận định của IMF, năm 2020, GDP toàn cầu dự kiến giảm 3% – mức giảm kỷ lục kể từ “đại suy thoái” những năm 1930. Trong đó, những cường quốc kinh tế hàng đầu đều sẽ oằn mình trước tác động nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhận định của IMF cho thấy, kinh tế Mỹ được dự báo giảm 5,9%; các nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ giảm 7,5% trong năm nay. Trong đó, Italy chịu ảnh hưởng nặng nhất, với mức tăng trưởng GDP giảm 9,1%. Tây Ban Nha giảm 8%, Pháp giảm 7,2% và Đức giảm 7%. Trung Quốc, nơi Covid-19 lên đến đỉnh điểm trong quý đầu tiên và hoạt động kinh doanh đang nối lại với sự trợ giúp của các gói kích thích tài chính lớn, sẽ duy trì mức tăng trưởng dương 1,2% trong năm 2020.
Theo dự báo của IMF, dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh ở hầu hết quốc gia trong quý II và giảm dần trong nửa cuối năm. Các hoạt động kinh doanh sẽ được khôi phục do những lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tuy nhiên, nếu đại dịch kéo sang quý III thì GDP toàn cầu năm 2020 có thể giảm thêm 3% và khả năng phục hồi vào năm 2021 cũng chậm hơn, do ảnh hưởng từ phá sản và thất nghiệp kéo dài. Nếu xảy ra kịch bản xấu, có một đợt dịch thứ hai bùng phát vào năm 2021, buộc phải ngừng hoạt động nhiều hơn, có thể làm giảm 5 – 8 điểm phần trăm trong dự báo cơ sở GDP toàn cầu cho năm đó, khiến thế giới suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp.
1. Kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua “cơn bão” kinh tế toàn cầu vì Covid-19
Trong năm khó khăn này, IMF coi châu Á mới nổi là một khu vực hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, ở mức 1%. Đặc biệt, Việt Nam chứng kiến tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN 5, tiếp đến là Philippines với 0,6% và Indonesia 0,5%. Trong nhóm ASEAN 5, mức giảm GDP mạnh nhất thuộc về Thái Lan (xấp xỉ 9%) khi ngành du lịch đóng góp 16% GDP nơi đây đang bị tê liệt bởi diễn biến khó lường và phức tạp của dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, quý I, dù GDP Việt Nam tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây là kết quả tích cực so với những nền kinh tế lớn đang chứng kiến tình trạng tăng trưởng chậm hoặc suy giảm tốc độ.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 từ 6,5% trước đó xuống còn 4,9%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8%.
“Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và rủi ro bởi dịch Covid-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam A” – ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam – nhấn mạnh.
Còn McKinsey dự báo, theo một kịch bản có xác suất xảy ra cao nhất 60-70%, khi đại dịch được kiểm soát trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U nhưng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh Sự phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V. Trong kịch bản này, cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất.
Nhắc tới tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc VinaCapital khẳng định: “Tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam là nặng nề, nhưng ít hơn các nước khác”. Theo Vinacapital, lý do khiến kinh tế của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn – chỉ giảm 3,5% tăng trưởng GDP, so với mức giảm 6-7% của nhiều quốc gia khác – là do các biện pháp y tế cộng đồng của Việt Nam đã được áp dụng rất hiệu quả mà không cần thiết phải đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.
2. Các yếu tố giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng vượt qua khủng hoảng
- Trái ngược với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đang bị tấn công bởi Covid-19, nhiều nhà máy và trang trại của Việt Nam vẫn đang hoạt động và một số cửa hàng bán lẻ vẫn mở, do đó, tỷ lệ dân số vẫn tiếp tục làm việc cao hơn so với hầu hết các nước khác trên thế giới, mặc dù hiện nay nhiều trong số đó là làm việc tại nhà.
- Thêm vào đó, số lượng thất nghiệp dự kiến ở Việt Nam được công bố bởi các hiệp hội ngành công nghiệp cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 5% vào cuối tháng này so với khoảng 2% vào đầu năm 2020. Sự gia tăng số lượng lao động thất nghiệp của Việt Nam sẽ là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách. Với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ đạt khoảng 20% vào cuối tháng 4, là minh chứng cho thấy những kịch bản xấu hơn có thể đã xảy ra cho thị trường việc làm tại Việt Nam nếu không có các biện pháp y tế công cộng hiệu quả mà Chính phủ đã thực hiện ngay từ Tết Nguyên đán 2020.
- Một yếu tố cũng được cho sẽ giúp kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão kinh tế toàn cầu là các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam thuộc phân khúc giá thấp. Những sản phẩm cao cấp như điện thoại thông minh hay máy ảnh kỹ thuật số… được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, bán trong các chuỗi siêu thị giá rẻ như Walmart ở Mỹ và Carrefour ở châu Âu. Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng thứ cấp được bán trong các cửa hàng giảm giá (chẳng hạn như thiết bị thể thao/thảm yoga, đồ chơi thú cưng, đồ làm vườn, dụng cụ nhà bếp thứ cấp, v.v.) thường vẫn ổn định trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Đó là vì nếu trước khi suy thoái người tiêu dùng đã quen mua các sản phẩm xa xỉ đắt tiền, thì sau khi suy thoái kinh tế xảy ra, họ bắt đầu mua sắm các sản phẩm tiết kiệm hơn được bán trong các cửa hàng giảm giá, để giảm mức chi tiêu hàng tháng.
- Trên thế giới, tình hình dịch bệnh đã có diễn biến tích cực. Tại Mỹ, dự báo về số ca tử vong được điều chỉnh giảm mạnh từ mức 2,2 triệu người vào tháng 3 xuống còn 250.000 người vào đầu tháng 4, và xuống dưới 60.000 vào tuần trước. Một số quốc gia ở châu Âu cũng bắt đầu lên kế hoạch mở lại nền kinh tế dựa trên thực tế là đường cong biểu đồ dịch Covid-19 (số ca nhiễm còn lại) và số lượng tử vong dường như đã đạt đỉnh. Đây là yếu tố giúp Việt Nam yên tâm hơn và do Việt Nam đã “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong nào, do vậy việc mở cửa lại kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ diễn ra khá suôn sẻ. Một khi các nước lớn mở cửa lại nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ hồi phục nhanh chóng.
3. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021
Nhìn sang năm 2021, IMF tin rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi sau đại dịch với tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến tăng lên 5,8%, với nhóm nước phát triển chạm mốc tăng trưởng 4,5%, trong khi các nước mới nổi và đang phát triển sẽ tăng vọt tới con số 6,6%.
Nếu so với giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008, khi tăng trưởng toàn cầu phục hồi từ -0,1% năm 2009 lên 5,4% năm 2010 thì những con số trên thể hiện sự lạc quan của IMF. Tuy vậy tổ chức này nhấn mạnh số liệu dự báo năm 2021 sẽ chỉ thành hiện thực khi đại dịch được khống chế, các biện pháp kiềm dịch được tháo dỡ, đồng thời niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư được phục hồi.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI
Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022.
*Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.