Trong nền kinh tế thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt, chỉ khi xây dựng thành công thương hiệu của mình và sử dụng hiệu quả các công cụ truyền thông, doanh nghiệp mới có thể vượt lên mạnh mẽ.
Một cuộc khảo sát gần đây tại các siêu thị lớn trong khu vực miền Bắc cho thấy, đa số khách hàng quyết định chi tiền mua sản phẩm của một thương hiệu nào đó dựa trên sự nổi tiếng của thương hiệu này. Lý do thường được đưa ra là các khách hàng này tin rằng sự phổ biến của thương hiệu trên thị trường có thể phần nào chứng minh được chất lượng của sản phẩm.
Trong thời đại ngày nay, khi mà các doanh nghiệp mọc lên như nấm và đem lại đa dạng sự lựa chọn, người mua hàng theo đó cũng trở nên khó tính hơn và cân nhắc cẩn thận hơn trước khi ra quyết định mua hàng. Do vậy, các hoạt động chia sẻ thông tin, xây dựng uy tín, đưa thương hiệu đến gần với khách hàng và thúc đẩy hành động chi tiền của họ, đóng vai trò sống còn trong sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.
Các công cụ truyền thông thương hiệu
Tùy theo quy mô kinh doanh, loại sản phẩm, đối tượng khách hàng mà hiện nay các doanh nghiệp thường sử dụng một hoặc hàng loạt các công cụ truyền thông thương hiệu sau đây:
1. Quảng cáo
Quảng cáo (Brand Advertising) là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Các phương tiện quảng cáo phổ biến ngày nay thu hút được nhiều đối tượng người xem có thể kể đến như: báo, tạp chí; truyền hình, truyền thanh; trưng bày thông điệp & hình ảnh ngoài trời hoặc trên các phương tiện giao thông; gửi thư trực tiếp; website và các kênh online khác. Mỗi cách thức đều có ưu – nhược điểm riêng về chi phí, phạm vi tác động cũng như mức độ hiệu quả trên từng loại sản phẩm khác nhau. Các công ty nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn bất kỳ một công cụ nào.
2. Quan hệ công chúng
Quan hệ công chúng (Public Relations, viết tắt là PR) là công cụ xây dựng những mối quan hệ với khách hàng, nhà đầu tư, giới truyền thông và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động thông qua các bản tin, bài nói chuyện, thông cáo báo chí; tổ chức sự kiện; tài liệu in ấn, ấn phẩm như logo, đồng phục, visit card…; hoạt động tài trợ cho xã hội, văn hóa, thể thao; các hoạt động phi thương mại với khách hàng. Việc lựa chọn hình thức PR, thời gian thực hiện chiến dịch PR cần dựa trên nội dung thông điệp truyền tải. Khi đó thông điệp đưa ra, phương tiện thực hiện sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
3. Marketing trực tiếp
Marketing trực tiếp (Direct marketing) không còn là một hình thức quá mới mẻ nhưng đã và đang được rất nhiều doanh nghiệp tích cực ứng dụng trong kinh doanh. Theo báo cáo của Hiệp hội Marketing, doanh thu từ công cụ truyền thông này tại Mỹ trong năm 2006 đạt mức 6,5 tỷ USD và liên tục tăng đến những năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng 5 ~ 7,4%, trong khi doanh thu từ các phương thức khác chỉ tăng 2,4 ~ 3%/ năm. Con số này cho thấy đây là một công cụ truyền thông yêu thích của các doanh nghiệp trên thế giới, góp phần giúp nâng cao doanh số bán hàng một cách mạnh mẽ.
Có nhiều cách làm marketing trực tiếp. Tùy vào đặc điểm sản phẩm và mục đích mà nhà quản trị có thể lựa chọn như: điện thoại trực tiếp, email, gửi thư trực tiếp, quảng cáo tại điểm bán, phiếu khảo sát nhu cầu của khách hàng, catalogue, telemarketing, coupon,… Khi thực hiện marketing trực tiếp, cả người bán và người mua có thể chủ động chọn thời điểm thích hợp để giao tiếp, điều này rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy khả năng chốt đơn của khách hàng, bởi khi cuộc trò chuyện được cá nhân hóa, người thực hiện sẽ dễ dàng nắm bắt được tâm lý mua hàng, cũng như đáp ứng nhu cầu hoặc giải đáp các thắc mắc của khách một cách nhanh chóng và chính xác.
4. Bán hàng cá nhân
Đa số các doanh nghiệp đều sử dụng hình thức này để phát triển kinh doanh. Đây là một kênh truyền thông thương hiệu truyền thống yêu cầu quá trình trao đổi diễn ra trực tiếp giữa 2 bên người bán và người mua. Trong đó người bán hàng cố gắng thuyết phục đối tượng tiềm năng mua sản phẩm của công ty.
Khi lựa chọn phương thức bán hàng trực tiếp, các thông tin cung cấp cho khách hàng cần giải quyết được các vấn đề sau: Tại sao khách hàng nên lựa chọn sản phẩm của bạn? Thương hiệu có gì khác biệt và ưu việt hơn? Lợi ích, công dụng và cách sử dụng sản phẩm?. Cuối cùng, việc cần làm sau khi tư vấn đó là hãy thu thập thông tin của khách hàng nhằm phục vụ cho các chiến dịch marketing tiếp theo.
Một thương hiệu tên tuổi, vững chắc có thể giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng hiện tại, đồng thời cũng thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, nó còn truyền cảm hứng cho khách hàng chia sẻ về doanh nghiệp cho các mối quan hệ xung quanh. Vì thế, để phát triển kinh doanh, có được chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư vào xây dựng và truyền thông thương hiệu cho riêng mình.
Có 2 loại thương hiệu phổ biến là thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Một số ví dụ điển hình về thương hiệu doanh nghiệp có thể kể đến như Apple, Unilever, Vinamilk,… Apple đã tạo ra các thương hiệu sản phẩm khác nhau như Iphone – dòng điện thoại thông minh, Ipod – máy nghe nhạc, Ipad – máy tính bảng. Vinamilk cũng có những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như Sữa Ông thọ, Ngôi sao Phương Nam,… Khi đưa ra một từ khóa liên quan đến đặc tính sản phẩm, thương hiệu lúc này đóng vai trò như một chiếc công tắc gợi mở ngay trong tâm trí khách hàng tên hoặc hình ảnh của nó. Các doanh nghiệp trong những ví dụ trên đã thành công trong việc tạo ra những chiếc công tắc định vị thương hiệu của họ.
Qua tìm hiểu về những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng để tạo nên một thương hiệu mạnh, cần có 4 yếu tố quan trọng sau đây:
4 yếu tố quan trọng tạo nên một thương hiệu mạnh
1. Tính nhất quán
Thông điệp – hình ảnh – màu sắc của thương hiệu trong các chiến dịch truyền thông nên có sự nhất quán để tạo ra sự nhận diện thương hiệu giúp khách hàng dễ nhớ về doanh nghiệp hơn. Việc thay đổi thông điệp thường xuyên sẽ khiến cho thương hiệu khó tạo được niềm tin với người mua và cho thấy sự kém chuyên nghiệp. Bằng nhiều cách thức triển khai khác nhau, sự nhất quán trong thông điệp vẫn có thể gây ấn tượng lên khách hàng mà không gây ra cảm giác nhàm chán. Và sau khi chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần, những thông tin này sẽ dần trở nên quen thuộc và được ghi nhớ một cách vô thức vào tâm trí khách hàng.
2. Có sứ mệnh và tầm nhìn đáp ứng được mong muốn của đối tượng khách hàng mục tiêu
Ngày nay, trong một thị trường mà niềm tin người tiêu dùng ngày càng thấp với sự cảnh giác và tâm lý đa nghi, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận sẽ khó lòng chiếm được cảm tình của khách hàng. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ về chiến dịch marketing “Happy ID” tại Peru của hãng sản xuất đồ uống Coca-Cola. Chiến dịch này đã tạo dấn ấn đặc biệt trong cộng đồng, một chai nước giải khát của Coca-Cola không còn là một thức uống thông thường mà nó mang theo thông điệp của sự hạnh phúc, lạc quan.
Bài học đó cho thấy khi cung cấp thêm cho khách hàng những giá trị vượt ra ngoài điểm bán hàng, sứ mệnh và tầm nhìn thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao hơn, giúp bạn khác biệt hoàn toàn với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
3. Sự linh hoạt
Các chiến dịch truyền thông thương hiệu luôn cần sự sáng tạo, đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, tuy nhiên cần phải duy trì mối liên quan, tính đồng nhất trong thông điệp truyền tải. Sự linh hoạt thể hiện ở việc sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, chăm sóc khách hàng; cải thiện, thay đổi mẫu mã sản phẩm… với mục tiêu tạo ra sự mới mẻ và luôn khiến khách hàng cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.
4. Nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng
Nếu sản phẩm của bạn đã và đang được nhiều người yêu thích. Hãy biết ơn họ vì đang góp phần làm cho thương hiệu của bạn trở nên hoàn hảo hơn, đẩy công ty lên vị thế mạnh trong thị trường. Hãy đề cao những đánh giá của khách hàng và luôn làm họ hài lòng hết sức có thể. Điều này sẽ nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng, giúp họ có xu hướng quay trở lại trong tương lai, mang đến lợi nhuận gấp nhiều lần cho doanh nghiệp.
Trên đây là 4 yếu tố vàng tạo nên một thương hiệu thành công. Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, việc sử dụng các công cụ truyền thông kết hợp với luôn đảm bảo 4 đặc trưng trên sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải những thông điệp nhất định đến khách hàng và lan tỏa mạnh mẽ đến các nhóm công chúng của họ. Từ đó nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022. *Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.