Nếu sự căng thẳng là một vấn đề lớn trong nghề nghiệp của bạn, thì dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích về cách làm giảm căng thẳng trong công việc.
Làm thế nào để giảm căng thẳng trong công việc
Trong nhịp sống công việc hối hả ngày nay, rất khó để loại bỏ hoàn toàn căng thẳng. Tuy nhiên, bằng nỗ lực có ý thức của bản thân, bạn có thể học các kỹ thuật để kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả và giảm thiểu các yếu tố gây căng thẳng trong công việc.
1. Năm phút chuẩn bị
Mỗi sáng, trước khi bạn bắt đầu lịch trình trong ngày, hãy dành ra 5 phút để ghi ra những bài tập, cuộc hẹn, cuộc họp hoặc nhiệm vụ quan trọng trong ngày.
Chỉ định thời gian cho mỗi nhiệm vụ này. Trong khi làm như vậy, hãy nhớ ưu tiên các nhiệm vụ của bạn theo thứ tự quan trọng. Bằng cách này, bạn sẽ có thể mường tượng về lịch trình trong ngày của mình sẽ như thế nào và không phải nhiều mất thời gian để đắn đo suy nghĩ.
Khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ, hãy đánh dấu hoàn thành và bạn không cần phải tiếp tục suy nghĩ hoặc lo lắng về nó một cách không cần thiết. Chìa khóa là làm việc thông minh hơn thay vì làm việc chăm chỉ hơn.
2. Hãy đề ra danh sách việc cần làm một cách thực tế
Đừng đánh giá quá cao năng lực của bạn và hãy đề ra các nhiệm vụ một cách phù hợp.
Nếu bạn đưa ra một danh sách với quá nhiều nhiệm vụ cần được hoàn thành trong thời gian quá ngắn, bạn sẽ không chỉ phải thất vọng, mà còn tự mình tạo ra những căng thẳng không nên có cũng như làm chất lượng đầu ra của nhiệm vụ bị giảm sút.
3. Xây dựng trật tự cho cuộc sống của bạn
Cho dù bạn đang ở nhà hay tại văn phòng, việc giữ cho không gian của bạn luôn gọn gàng và ngăn nắp có thể giúp ích rất nhiều.
Hãy tránh lộn xộn ở nơi làm việc của bạn. Cố gắng sử dụng các thư mục để tách biệt các tài liệu liên quan đến các dự án khác nhau và giữ chúng được xếp gọn gàng trong không gian lưu trữ có sẵn. Việc có thể lấy các tập tin và tài liệu quan trọng một cách dễ dàng mà không cần phải đào bới và tìm kiếm có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức cũng như giúp bạn luôn kiểm soát được tình huống và không bị căng thẳng.
Còn ở nhà, hãy tưởng tượng đến việc bạn không thể tìm thấy chìa khóa khi mình đang phải vội rời đi và nhớ rằng: Hãy luôn đặt mọi thứ tại vị trí mà chúng nên ở đó.
4. Đừng ngần ngại yêu cầu trợ giúp
Cho dù là ở nhà hay tại văn phòng, đừng ngần ngại yêu cầu sự trợ giúp từ những người xung quanh. Những người xung quanh bạn có thể còn háo hức giúp đỡ bạn. Vì vậy, thay vì cảm thấy quá tải, hãy học cách sử dụng các nguồn lực mà mình có một cách thông minh.
5. Tập thể dục
Tập thể dục sẽ giải phóng endorphin và khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cải thiện sự tập trung, giảm căng thẳng và khiến cho bạn ngủ ngon hơn. Ngoài ra, nó cũng giúp cho bạn giữ được vóc dáng cân đối và khỏa mạnh.
Vì vậy, nếu tập thể dục chưa phải là một phần trong lịch trình hàng ngày của bạn, hãy nghĩ về thời gian thích hợp để biến nó thành một phần trong các hoạt động hàng ngày của bạn.
6. Đừng trì hoãn những công việc khó chịu
Ai trong chúng ta cũng có những công việc nhất định mà mình không muốn làm và cố gắng trì hoãn nó càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, những nhiệm vụ chưa hoàn thành này vẫn sẽ tồn tại trong tâm trí chúng ta và gây ra sự khó chịu hoặc căng thẳng quá mức.
Đó có thể là một chuyến đi đến ngân hàng để giải quyết giấy tờ, một dự án nào đó cần hoàn thiện hoặc bất kỳ công việc cá nhân nào như đến thăm nha sĩ, dọn nhà… Hãy quyết định rằng mỗi ngày tới đây, bạn sẽ hoàn thành ít nhất một trong những công việc khó chịu này để bạn có thể hoàn thành tất cả chúng trong vòng vài tuần tới.
7. Hạn chế phân tâm khi làm việc
Sự phân tâm có thể đến từ nhiều nguyên nhân: những thông báo từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại từ bạn bè, đồng nghiệp tán gẫu… Những sự gián đoạn như vậy có thể làm ngắt dòng suy nghĩ của bạn và làm giảm sự tập trung.
Bạn sẽ cần thời gian đáng kể để đưa quá trình suy nghĩ của mình đi đúng hướng trở lại; và do vậy, làm tăng thời gian hoàn thành công việc của mình. Vào cuối ngày, bạn sẽ tự hỏi tại sao mình không thể hoàn thành tất cả công việc đã lên lịch trong ngày.
Nếu một đồng nghiệp của bạn có thói quen bắt chuyện mỗi khi cô ấy đi ngang qua phòng của bạn, bạn nên cho người đó biết rằng công việc của bạn đang bị ảnh hưởng xấu bởi cô ấy. Cuộc trò chuyện thân tình có thể diễn ra trong lúc uống trà hoặc nghỉ trưa.
8. Tối đa hóa năng suất trong thời điểm tốt nhất
Cơ thể của bạn có một đồng hồ sinh học ở bên trong để đảm bảo rằng bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tạo ra kết quả tốt nhất trong một số thời điểm nhất định trong ngày và cảm thấy uể oải trong những giờ nhất định.
Hãy sử dụng những thời điểm tốt nhất của bạn để hoàn thành nhiều công việc nhất có thể. Sau bữa trưa, khi đa số mọi người có xu hướng cảm thấy lờ đờ hoặc buồn ngủ có thể là thời điểm tốt để dành thời gian vào mạng xã hội hoặc đọc báo.
Bằng cách này, bạn có thể tối đa hóa hiệu quả công việc bằng cách sử dụng thời gian tối ưu và tiết kiệm thời gian cho chính mình.
9. Thể hiện tầm nhìn xa
Nếu bạn có một nhiệm vụ quan trọng và bạn có thể hình dung trước những nguồn lực mình cần và chuẩn bị trước từ sớm, điều này sẽ giúp cho bạn giảm bớt sự căng thẳng vào phút cuối.
Ví dụ: nếu bạn được yêu cầu thuyết trình trước nhà quản lý cấp cao, bạn sẽ cần một phòng họp đủ lớn, bạn sẽ cần một máy chiếu, những người có trách nhiệm liên quan…
10. Đến sớm vài phút
Nếu dậy sớm 10-15 phút, bạn sẽ có thể thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng mà không phải vội vã và lo lắng về việc bị trễ giờ.
Nếu bạn có bất kỳ cuộc họp quan trọng nào được lên lịch trong ngày, việc đến văn phòng sớm một chút sẽ giúp bạn có không gian thở và thời gian để chuẩn bị.
11. Nạp năng lượng trong giờ nghỉ trưa
Trong giờ ăn trưa, hãy cố gắng ngắt kết nối hoàn toàn với công việc. Một khoảng thời gian nghỉ ngơi đầy đủ với một bữa trưa tươm tất có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp nạp năng lượng cho các tế bào não của bạn.
Trong giờ nghỉ trưa, bạn cũng có thể chia sẻ những thông tin hữu ích cùng bạn bè và đồng nghiệp của mình. Một chuyến đi bộ ngắn sau bữa trưa trong một bầu không khí trong lành cũng là một ý kiến hay.
12. Nhìn bản thân dưới một góc nhìn tích cực
Ngừng tập trung vào những thiếu sót của bạn và đừng cố gắng trở thành những gì bạn không thể. Mỗi người trong chúng ta đều có những giới hạn mà mình cần phải hiểu.
Vì vậy, hãy tập trung vào những khía cạnh tích cực và những thành tích của bạn hơn là chì chiết bản thân với những tiêu cực và những lỗi lầm. Việc có một suy nghĩ tích cực sẽ cải thiện sự tự tin của bạn và giúp bạn cảm thấy có động lực để đạt được mục tiêu của mình.
13. Giao tiếp
Những hiểu lầm có thể gây căng thẳng không đáng có cho các mối quan hệ. Vì vậy, bạn cần phải biết lúc nào nên nói ra và làm rõ quan điểm của mình để hạn chế sự mơ hồ. Nếu bạn không chủ động và tích cực trong giao tiếp, rất có thể sẽ xảy những trường hợp đồng nghiệp trở nên khó chịu với bạn vì một vài vấn đề không rõ ràng.
Mọi người cũng có thể đánh giá sai bạn hoặc nghi ngờ bạn che giấu thông tin. Bởi vậy, nếu có thể, hãy cho những người xung quanh biết mục đích hành động của bạn và chia sẻ về những lợi ích mà nó mang lại cho mọi người và cả công ty. Giảm căng thẳng liên quan đến các mối quan hệ có thể là một giải pháp đáng kể nếu bạn có thể tạo ra bầu không khí cộng tác trong văn phòng của mình.
14. Dành thời gian cho bản thân
Hãy cố gắng dành thời gian cho riêng mình mỗi ngày bằng cách làm bất cứ điều gì mà bạn thích, cho dù đó là một cuộc đi dạo cùng vợ hay thưởng thức cuốn tiểu thuyết yêu thích của bạn hoặc nằm dài để xem chương trình truyền hình yêu thích.
Những điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và làm cho bạn cảm thấy tốt hơn trong một ngày làm việc mệt nhọc.
15: Thư giãn vào cuối tuần
Cuối tuần nên là thời gian để truyền chút tươi mới vào cuộc sống của bạn và tiếp thêm năng lượng cho bản thân. Hãy dành khoảng thời gian đó một mình hoặc cùng gia đình và bạn bè.
Nếu sếp của bạn có thói quen dồn đống công việc vào cuối tuần, bạn cần phải đặt ra ranh giới của mình bằng việc học cách nói ‘không’.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022. *Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.