Bất kì một quyết định nào cũng cần có sự chuẩn bị nhất định trong một khoảng thời gian. Khi dự tuyển MBA, ứng viên không chỉ đơn giản cung cấp một loạt giấy tờ bằng cấp theo yêu cầu để nhận được sự chấp thuận từ phía nhà trường.
Một ứng viên xuất sắc cần thể hiện những tố chất cần thiết trong suốt quá trình ứng tuyển (trên sơ yếu lý lịch, bài luận dự học và trong quá trình phỏng vấn). Những phẩm chất đó bao gồm khả năng lãnh đạo, khả năng hợp tác và làm việc nhóm, trí thông minh, khả năng thích ứng, khiêm tốn, cởi mở, những đóng góp có ích cho cộng đồng,… Danh sách này sẽ còn rất dài.
Vấn đề đặt ra là những phẩm chất ấy cần thời gian để hình thành và nuôi dưỡng. Rất nhiều ứng cử viên sáng giá đã không vượt qua được do bắt đầu quá trình chuẩn bị này muộn. Quá muộn để có trong tay một sự tiến bộ thiết yếu cho quá trình ứng tuyển. Vậy nên, với bài viết dưới đây, MBA Andrews tin rằng nếu bạn đi theo 5 bước dưới đây, bạn sẽ có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho cột mốc lớn sắp tới trong đời và làm tăng khả năng được nhận vào ngôi trường mơ ước.
1. Bồi đắp và chắt lọc kinh nghiệm làm việc chất lượng
Trong tuyển dụng, có một sự thật ngầm hiểu rằng nếu trong CV của ứng viên có kinh nghiệm từng làm việc trong những công ty “Blue Chip” (công ty có uy tín trên toàn quốc, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn tài chính ổn định minh bạch), họ sẽ dễ dàng được nhận hơn vào những công ty, ngôi trường thuộc hàng top. Bởi nó chứng minh rằng bạn thực sự phải có năng lực, thông minh thì mới có thể thành công và phát triển mạnh trong một công ty ưu tú như vậy, tương xứng với một tấm bằng MBA ưu tú.
Tuy nhiên, nếu dự định của bạn là phát triển một công ty khởi nghiệp phân tích dữ liệu hay một nhà máy do gia đình sở hữu, bạn vẫn có thể ghi điểm bằng những kinh nghiệm làm việc chất lượng. Bởi những công ty này thường có số lượng nhân viên nhỏ và gặp nhiều vấn đề lớn – một nơi hoàn hảo để xây dựng kỹ năng xoay quanh việc thúc đẩy sự thay đổi, dẫn dắt đội ngũ. Do vậy, vấn đề không phụ thuộc hoàn toàn vào nơi bạn làm việc mà quan trọng là những kinh nghiệm được đúc kết qua tháng năm sẽ tạo nên sự khác biệt trong hồ sơ dự tuyển MBA của bạn.
Dù bạn bắt đầu sự nghiệp ở đâu, hãy trau dồi tư duy cầu tiến (growth mindset). Làm việc chăm chỉ, học hỏi không ngừng và tìm kiếm cơ hội đưa bạn ra khỏi vùng an toàn của mình – đó là cách để tài năng của bạn được phát triển và nuôi dưỡng. Làm tình nguyện viên cho dự án mà không ai khác muốn, đào tạo sinh viên thực tập, trình bày các xu hướng mới nhất trong ngành cho nhóm của bạn. Những trải nghiệm này không chỉ là điểm nhấn thú vị trong đơn dự tuyển MBA, mà còn làm phong phú thêm bản thân bạn, xây dựng sự tự tin, sự trưởng thành và chuyên môn của bạn.
2. Nuôi dưỡng “người” lãnh đạo trong bạn
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng lãnh đạo là một kỹ năng phức tạp chỉ có ở nhà lãnh đạo cao cấp hay trong quản lý một dự án. Nhưng khả năng lãnh đạo có thể được thể hiện ở rất nhiều thứ, từ lên ý tưởng và tổ chức một buổi văn nghệ thời còn ngồi trên ghế nhà trường đến dạy trẻ con làm toán. Hồi tưởng lại những lần bạn giơ tay phát biểu ý kiến, khi bạn thực hiện một hành động nào đó mang ý nghĩa tác động thực sự đến bạn. Bạn thậm chí có thể ghi lại kết quả này trên “bảng thành tích” của riêng mình để ghi nhớ sự kiện này. Rồi khi bạn cần một chất xúc tác để làm những điều “điên rồ”, mạnh dạn hơn, hãy nhớ đến cảm giác chiến thắng, chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình mà thành tích cũ đem lại.
Trừ khi là bạn không muốn thực hành chúng vì có thể bạn ngại, hướng nội hay chỉ vì bạn quá bận rộn. Điều đó không sao cả, bởi vì với kế hoạch ứng tuyển MBA là dài hạn, bạn có nhiều thời gian để gây dựng hình tượng nhà lãnh đạo tương lai để gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh.
Trong công việc, hãy luôn cố gắng làm và đóng góp nhiều hơn nhiệm vụ được giao. Như sáng tạo ra công cụ giúp công việc được tự động hóa và tăng năng suất, dạy đồng nghiệp những điều mới. Hãy nhắm đến kết quả của hành động và tác động nó đem lại, điều này mang ý nghĩa rất sâu sắc và có thể sánh ngang với việc tung ra một ngành kinh doanh mới cho công ty của bạn…
Một cách tuyệt vời để bắt đầu là làm theo sở thích của riêng mình. Nếu FinTech là niềm đam mê của bạn, hãy bắt đầu một bản tin văn phòng chia sẻ các xu hướng mới nhất và cách chúng áp dụng cho sứ mệnh của công ty bạn. Nếu việc giao lưu là việc của bạn, hãy tổ chức các bữa tiệc tối hoặc các sự kiện thể thao để tập hợp không chỉ nhóm của riêng bạn mà cả những người từ các nhóm trong toàn công ty.
3. Xây dựng mối quan hệ với những người sẽ viết thư giới thiệu cho bạn
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu xây dựng mối quan hệ tốt với cấp trên – người không chỉ giúp thư giới thiệu của bạn trở nên chất lượng mà họ còn giúp bạn làm tăng giá trị bản thân. Trong quá trình phát triển sự nghiệp mới, có thể bạn sẽ thỉnh thoảng gặp rắc rối, nhưng nếu bạn có mối quan hệ tốt với cấp trên của mình, đó là cơ hội để nhận ra sai lầm, từ đó học hỏi và phát triển. Trên thực tế, các quá trình xét tuyển/ứng tuyển thường hỏi về những sai lầm và cách bạn phản ứng với những hậu quả, lời ra tiếng vào xung quanh chúng.
Vậy nên, hãy chuẩn bị cho điều này. Thường xuyên hỏi nhận xét của cấp trên để bạn nhận thức được cả điểm mạnh và điểm yếu của mình. Lập kế hoạch cải thiện để thể hiện rằng bạn có tư duy học hỏi. Cấp trên sẽ đánh giá cao những nỗ lực này và có một lập trường chắc chắn về con người bạn để viết trong thư giới thiệu. Nhìn xa hơn, đó là cách để bạn xây dựng một mối quan hệ thân thiết lâu dài sau khi bạn rời khỏi công ty.
4. Phát triển và nuôi dưỡng trí thông minh
Tư duy phản biện, suy nghĩ đa dạng, ý tưởng mới và quan điểm độc đáo là tất cả những yếu tố cần thiết sẽ phát triển trong chương trình MBA. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng tâm trí của bạn. Rèn thói quen đọc sách, khám phá các chủ đề mới, học một ngôn ngữ khác, nghe podcast về triết học, thần kinh học, kinh tế học, địa chính trị hoặc lịch sử – bất cứ điều gì thu hút sự quan tâm của bạn.
Làm điều này không chỉ để trở thành một học viên MBA tốt hơn, mà để trở thành một người tốt hơn. Như một phần thưởng, quan điểm của bạn sẽ giúp bạn nổi bật trong các bài luận xin việc trong tương lai – thứ thường yêu cầu bạn đào sâu vào những thứ như giá trị, niềm tin, khát vọng và đam mê.
5. Trở nên tốt hơn bằng cách là chính mình
Các trường kinh doanh muốn xây dựng lớp học MBA với đầy đủ các nhà lãnh đạo tương lai thông minh, thành đạt với sự đa dạng về sắc tộc, giới tính, quốc tịch và khuynh hướng tình dục và đặc biệt là đa dạng về sở thích, đam mê, nền tảng và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Đó chính là điểm nổi bật khiến cho các khóa học MBA, hệ sau đại học trở nên độc đáo và khác biệt.
Authenticity – tính “thực” hay chân nguyên của một người là những giá trị cốt lõi mà giới tuyển sinh khao khát, và cách tốt nhất để trở nên đa dạng và chân thực là hãy là chính bạn. Điều này bao gồm việc trả lời về thú vui thưởng mạn và sở thích bên ngoài của bạn. Vì vậy, trong vài năm tới, hãy đi sâu tìm hiểu những điều bạn thích hoặc luôn tò mò. Chạy, nướng, tung hứng, đào ngao, lịch sử Caribe, blockchain, bất cứ điều gì có thể xảy ra, hãy thử.
Authenticity cũng có nghĩa là chấp nhận bạn là ai và bạn đến từ đâu. Bạn làm điều này bằng cách tự nhận thức (một từ được yêu thích khác của các nhà tuyển sinh) bằng cách nhìn lại cuộc đời và lập danh sách những điều đã ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất – sự kiện, cuộc trò chuyện, con người. Từ đó, khám phá ra giá trị, hy vọng, nỗi sợ hãi và chắc chắn là siêu năng lực của bạn. Tìm ra bạn là người như thế nào, bạn muốn đạt được điều gì trong cuộc sống và điều gì quan trọng nhất đối với bạn (đây cũng là một câu hỏi nổi tiếng rất phổ biến trong đề thi dự tuyển MBA).
Tất cả những điều này cùng với tất cả các tác động, khả năng lãnh đạo và kỹ năng mà bạn đã trau dồi, sẽ kết hợp lại với nhau để tạo thành một profile mạnh mẽ cho thấy các giá trị cốt lõi của bạn. Nó sẽ thể hiện qua sơ yếu lý lịch, bài luận dự tuyển và các cuộc phỏng vấn MBA trong tương lai.
“There is no one alive who is Youer than You.”
Hãy luôn là chính bạn và cách cổng MBA hay bất kì hoài bão nào sẽ mở ra trước mắt!
Nguồn: Harvard Business Review