Việc tạo động lực cho bản thân thật khó. Chúng ta dường như có ác cảm tự nhiên đối với những nỗ lực bền bỉ mà không một lượng caffein hay áp phích truyền cảm hứng nào có thể loại bỏ được.
Việc có thể tự tạo động lực cho bản thân một cách hiệu quả là một trong những yếu tố chính giúp phân biệt người thành công với những người còn lại. Vậy làm thế nào bạn có thể tiếp tục thúc đẩy bản thân làm việc, ngay cả khi bạn cảm thấy không thích?
Ở một mức độ nhất định, động lực là yếu tố có sự khác biệt khi nhìn nhận ở mỗi cá nhân. Những gì thúc đẩy bạn có thể lại chẳng đem cho người khác cảm giác gì. Và một số cá nhân dường như có tính cách kiên định hơn những người khác. Tuy nhiên, nhờ sự nghiên cứu miệt mài của các nhà khoa học về động lực con người, họ đã tìm ra một số chiến lược dường như hiệu quả với hầu hết mọi người — cho dù trong việc cố gắng giảm cân, tiết kiệm cho việc nghỉ hưu hay thực hiện một sáng kiến dài hạn và vượt qua khó khăn trong công việc… Nếu bạn đã từng không đạt được mục tiêu mà nhẽ bạn có thể đạt được vì sự trì hoãn hoặc thiếu cam kết ,(liệu rằng có ai trong chúng ta chưa?), bạn nên đọc tiếp. Bốn chiến lược dưới đây có thể giúp thúc đẩy bạn tiến lên phía trước.
Tạo ra mục tiêu cụ thể
Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu cụ thể. Ví dụ: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhân viên bán hàng có mục tiêu, họ chốt được nhiều giao dịch hơn và khi các cá nhân thực hiện cam kết tập thể dục hàng ngày, họ có nhiều khả năng tăng mức độ tập thể dục của mình hơn. Những mong muốn trừu tượng — chẳng hạn như “cố gắng hết sức” — thường kém hiệu quả hơn nhiều so với những gì cụ thể, chẳng hạn như mang lại 10 khách hàng mới mỗi tháng hoặc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Vì vậy, nguyên tắc chung đầu tiên của bất kỳ mục tiêu nào bạn đặt ra cho chính mình phải cụ thể.
Các mục tiêu cũng nên kích hoạt nguồn động lực bên trong, thay vì bên ngoài. Về bản chất, một hoạt động được thúc đẩy khi nó được coi là mục đích của chính nó (ví dụ như luyện đàn để chơi đàn giỏi hơn); hoặc được thúc đẩy bởi những động cơ bên ngoài như kiếm cho bạn phần thưởng hoặc giúp bạn tránh khỏi việc bị trừng phạt. Các nghiên cứu cho thấy rằng các động cơ nội tại sẽ đem lại thành tích và thành công tốt hơn các động cơ từ bên ngoài.
Tất nhiên, nếu phần thưởng bên ngoài đủ lớn, chúng ta sẽ lựa chọn thực hiện đến cùng với ngay cả những nhiệm vụ khó chịu nhất. Ví dụ như trong bối cảnh công việc, nhiều người làm việc vì tiền. Tuy nhiên, lúc này họ lại cảm thấy mình giống như “nô lệ làm công ăn lương”. Trong những tình huống như vậy, họ thường chỉ làm ở mức tối thiểu cần thiết, đủ để đạt được mục tiêu. Vậy nên, chỉ riêng động lực bên ngoài không thể giúp chúng ta trở nên thực sự xuất sắc.
“Bí quyết là tập trung vào các yếu tố của công việc mà bạn cảm thấy thú vị.”
Trong một thế giới lý tưởng, tất cả chúng ta sẽ tìm được những vai trò và môi trường làm việc mà chúng ta yêu thích và gắn bó với chúng. Tất nhiên là dù mọi thứ có lý tưởng đến đâu thì cũng sẽ có lúc chúng ta cảm thấy mất hứng thú. Lúc này, hãy nhớ lại động lực nội tại khi mình quyết định lựa chọn công việc hoặc thực hiện các dự án. Điều này có thể giúp ích cho việc duy trì thành công một cách lâu dài.
Và trong những trường hợp còn lại (không phải tất cả chúng ta đều tìm được việc làm hay nhận được những nhiệm vụ mà mình yêu thích), bí quyết là tập trung vào những yếu tố của công việc khiến bạn cảm thấy thú vị. Hãy suy nghĩ rộng hơn về cách mà việc hoàn thành nhiệm vụ có thể khiến bạn hài lòng. Chẳng hạn như cho bạn cơ hội thể hiện kỹ năng của mình trước các nhà lãnh đạo của công ty, xây dựng các mối quan hệ nội bộ quan trọng hoặc tạo ra giá trị cho khách hàng. Cuối cùng, hãy cố gắng bù đắp sự mệt nhọc bằng các hoạt động mà bạn thấy thoải mái — chẳng hạn như nghe nhạc trong khi giải quyết lượng lớn email còn tồn đọng trong hộp thư của bạn hoặc làm những công việc nhàm chán với bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp yêu thích của bạn.
Tìm ra những phần thưởng hiệu quả
Một số nhiệm vụ hoặc một giai đoạn trong sự nghiệp của bạn có thể hoàn toàn chỉ có khó khăn. Trong trường hợp này, việc tạo ra động lực bên ngoài cho bản thân trong khoảng thời gian ngắn đến trung hạn có thể hữu ích. Bạn có thể tự hứa thưởng cho mình một kỳ nghỉ sau khi hoàn thành một dự án hoặc mua cho mình một món quà sau khi giảm cân thành công.
Nhưng hãy cẩn thận để tránh những khuyến khích sai lầm. Chẳng hạn như tự thưởng cho số lượng nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc cho tốc độ, trong khi bạn thực sự quan tâm đến chất lượng công việc. Một nhân viên kế toán tự thưởng cho bản thân vì hoàn thành một dự án kiểm toán nhanh chóng có thể dễ khiến bản thân mắc sai lầm. Hoặc một nhân viên bán hàng tập trung vào việc tối đa hóa doanh số thay vì tuân theo các quy chuẩn bán hàng có thể sẽ khiến cho một số khách hàng không hài lỏng.
Một cái bẫy phổ biến khác là chọn các biện pháp khuyến khích làm suy yếu mục tiêu bạn đã đạt được. Nếu giải thưởng cho việc giảm cân của một người ăn kiêng là bánh pizza và bánh ngọt, thì anh ta có thể sẽ làm mất đi những gì mình đã đạt được và tái tạo những thói quen xấu. Nếu phần thưởng cho thành tích xuất sắc trong công việc một tuần là cho phép bản thân nghỉ ngơi trong những ngày tiếp theo, bạn có thể làm giảm ấn tượng tích cực mà bạn đã tạo ra. Những nghiên cứu về cái mà các nhà tâm lý học gọi là “cân bằng” cho thấy rằng việc đạt được mục tiêu đôi khi cho phép mọi người nhượng bộ trước sự cám dỗ — điều này khiến họ quay trở lại điểm khởi đầu.
Ngoài ra, một số khuyến khích bên ngoài có thể đem lại hiệu quả hơn những khuyến khích khác. Ví dụ: trong các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hầu hết mọi người làm việc chăm chỉ hơn (đầu tư nhiều công sức, thời gian và tiền bạc hơn) để đủ điều kiện nhận những phần thưởng không chắc chắn (chẳng hạn như 50% cơ hội nhận được 150 đô la hoặc 50 đô la) so với những gì họ làm cho một phần thưởng nhất định (100% cơ hội nhận được 100 đô la), có lẽ vì cái trước khó hơn và thú vị hơn. Phần thưởng không chắc chắn khó thiết lập hơn tại nơi làm việc, nhưng không phải là không thể. Bạn có thể chơi đánh bạc trong công việc bằng cách để hai phong bì ở bàn làm việc — một phong bì chứa phần quà có giá trị lớn hơn, và chỉ chọn ngẫu nhiên một phong bì sau khi công việc hoàn thành.
Cuối cùng, sự chán ghét mất mát hay mong muốn tránh thua lỗ hơn là đạt được lợi nhuận tương đương — cũng có thể được sử dụng để thiết kế một động lực bên ngoài mạnh mẽ. Trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà khoa học từ Đại học Pennsylvania đã yêu cầu mọi người đi bộ 7.000 bước mỗi ngày trong sáu tháng. Một số người tham gia được trả 1,40 đô la cho mỗi ngày họ đạt được mục tiêu, trong khi những người khác mất 1,40 đô la nếu họ không đạt được mục tiêu. Kết quả là nhóm thứ hai đạt được mục tiêu hàng ngày của họ thường xuyên hơn 50%. Các dịch vụ trực tuyến như StickK.com cho phép người dùng chọn mục tiêu, chẳng hạn như “Tôi muốn bỏ hút thuốc”, sau đó, nếu như họ không đạt được mục tiêu đó thì họ sẽ phải quyên góp tiền cho một tổ chức hoặc một đảng chính trị mà mình coi thường, chẳng hạn như vậy.
Duy trì tiến độ
Khi mọi người bắt đầu làm việc để đạt được mục tiêu, họ thường có động lực bùng nổ ở giai đoạn đầu và sau đó tụt dốc ở giai đoạn giữa, rồi bị đình trệ. Ví dụ, trong một nghiên cứu, những người Do Thái tinh ý có nhiều khả năng thắp nến vào đêm đầu tiên và đêm cuối cùng của lễ Hanukkah hơn vào sáu đêm còn lại, mặc dù truyền thống của tôn giáo này là thắp nến trong tám ngày liên tiếp.
May mắn thay, các nghiên cứu đã phát hiện ra một số cách để chống lại cách hoạt động này. Phương pháp đầu tiên là “chia nhỏ”. Nếu như bạn chia mục tiêu của mình thành những mục tiêu phụ nhỏ hơn, chẳng hạn như mục tiêu bán hàng theo từng tuần thay vì từng quý, thì sẽ có ít thời gian mà bạn phải chống chọi với sự sụt giảm động lực tồi tệ hơn.
Phương pháp thứ hai là thay đổi cách bạn nghĩ về tiến trình mà bạn đã đạt được. Khi chúng ta đã đạt được nhiều thành công, mục tiêu dường như nằm trong tầm tay và chúng ta có xu hướng tăng cường nỗ lực của mình. Ví dụ: người tiêu dùng trong các chương trình khách hàng thân thiết có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi họ gần kiếm được phần thưởng hơn. Bạn có thể tận dụng xu hướng này bằng cách nghĩ về điểm xuất phát của mình là đã lùi xa hơn trong quá khứ.
Một thủ thuật tinh thần khác là chỉ tập trung vào những gì bạn đã làm cho đến điểm giữa của một nhiệm vụ, rồi sau đó chuyển sự chú ý của bạn sang những gì bạn còn phải làm. Các nghiên cúu đã phát hiện ra rằng sự thay đổi quan điểm này có thể làm gia tăng động lực. Ví dụ: Trong chương trình khuyến mãi dành cho người mua thường xuyên, việc nhấn mạnh các bước đã hoàn thành (“bạn đã hoàn thành hai trong số 10 lần mua hàng”) đã làm tăng số lượng mua hàng của khách hàng ngay từ đầu; và nhấn mạnh các bước còn thiếu (“bạn còn hai lần mua hàng nữa là nhận được phần thưởng miễn phí”) thúc đẩy chi tiêu khi người mua gần đạt được mục tiêu.
Phương pháp này có thể phù hợp với các nhiệm vụ cơ bản, nhàm chán (chẳng hạn như gửi 40 lời cảm ơn) cũng như cho các mục tiêu chất lượng và lâu dài (trở thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp). Người viết ghi chú có thể có được động lực từ việc tự nhắc nhở bản thân mình đã gửi bao nhiêu cho đến khi bước qua con số 20; sau đó người ấy nên đếm ngược xem cô ấy còn lại bao nhiêu việc phải làm. Theo cách tương tự, một người mới tập piano nên tập trung vào tất cả các lý và kỹ năng mà người ấy cần có được trong giai đoạn phát triển ban đầu của mình; sau đó, khi đã tốt hơn, người ấy nên tập trung vào những thách thức kỹ thuật còn lại (hợp âm rải, trills và tremolos, v.v.) mà mình cần phải nắm vững.
Khai thác sự ảnh hưởng của người khác
Con người là sinh vật xã hội. Chúng ta liên tục nhìn xung quanh để xem những gì người khác đang làm và hành động của họ ảnh hưởng đến chính chúng ta. Ngay cả khi ngồi cạnh một nhân viên có hiệu suất làm việc cao cũng có thể làm tăng hiệu suất của bạn. Nhưng nó có thể phức tạp hơn vậy. Khi chứng kiến một đồng nghiệp có thể thực hiện nhiệm vụ đã làm mình “vò đầu bứt tai” một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ phản ứng theo một trong hai cách: Hoặc chúng ta có thể được truyền cảm hứng và cố gắng học tập hành vi đó hoặc chúng ta mất đi động lực vì cho rằng chúng ta có thể giao nhiệm vụ đó cho đồng nghiệp của mình . Điều này không hoàn toàn phi lý: Con người đã phát triển mạnh mẽ như ngày nay là nhờ sự chuyên môn hóa cá thể và bằng cách tận dụng tối đa các lợi thế so sánh của mình.
Nhưng vấn đề là (đặc biệt trong công việc), không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ủy thác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sử dụng ảnh hưởng của xã hội để tạo động lực cho mình. Quy tắc đầu tiên là đừng bao giờ thụ động quan sát những đồng nghiệp đầy tham vọng, làm việc hiệu quả và thành công. Thay vào đó, hãy nói chuyện với những đồng nghiệp này về những gì họ đang cố gắng hoàn thành bằng công việc khó khăn của mình và lý do họ khuyên bạn nên làm điều đó. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi một người tán thành một sản phẩm, những người bạn của họ có nhiều khả năng mua sản phẩm đó hơn; nhưng họ sẽ không mua nếu chỉ đơn giản biết rằng người kia đã mua sản phẩm đó. Lắng nghe những gì hình mẫu của bạn nói về mục tiêu của họ có thể giúp bạn tìm thêm cảm hứng và nâng cao tầm nhìn của chính mình.
Điều thú vị là, đưa ra lời khuyên thay vì yêu cầu nó có thể là một cách thậm chí còn hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng thiếu động lực, bởi vì nó thúc đẩy sự tự tin và do đó thúc đẩy hành động. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người đang đấu tranh để đạt được một mục tiêu như tìm việc làm cho rằng họ cần những lời khuyên từ các chuyên gia để thành công. Trên thực tế, họ có thể làm tốt hơn bằng cách chia sẻ sự khôn ngoan của mình cho những người đang tìm việc khác. Bởi vì khi làm như vậy, họ tự mình đặt ra những kế hoạch cụ thể mà bản thân có thể làm theo, nhờ vậy gia tăng sự thúc đẩy và thành tích của họ.
Cách cuối cùng để khai thác ảnh hưởng của xã hội là nhận ra rằng những người sẽ thúc đẩy bạn hoàn thành tốt nhất một số nhiệm vụ nhất định không nhất thiết phải là những người làm tốt nhiệm vụ. Thay vào đó, họ là những người có chung mục tiêu với bạn: bạn bè thân thiết và gia đình hoặc người cố vấn. Suy nghĩ về những người đó và mong muốn thành công của chúng ta vì họ có thể giúp cung cấp những động lực nội tại mạnh mẽ mà chúng ta cần để đạt được mục tiêu của mình. Một người phụ nữ có thể nhận thấy sự cực nhọc trong công việc là phần thưởng nếu cô ấy cảm thấy mình đang làm gương cho con gái mình; một người đàn ông có thể dễ dàng tuân thủ thói quen tập thể dục của mình hơn nếu nó giúp anh ta cảm thấy mình tự tin hơn khi ở cùng bạn bè.
. . .
Việc tự tạo động lực bản thân là một trong những kỹ năng khó học nhất, nhưng nó rất quan trọng. Vì vậy, hãy tìm ra cách thức tự tạo động lực của riêng mình và trở nên thành công hơn trong sự nghiệp của mình.
HỌC MBA ANDREWS DANH GIÁ – BỨT PHÁ TƯƠNG LAI Nhận ngay HỌC BỔNG 100% khóa học “Global Leadership” tại khuôn viên Đại học Andrews, Hoa Kỳ khi đăng ký tuyển sinh và nhập học từ 08/11/22 đến 31/12/2022. *Đăng ký nhận tư vấnTẠI ĐÂY.